Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Năm 2022 Chính phủ đã hành động quyết liệt, hiệu quả với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phản ứng chính sách kịp thời

PV - 08:24, 01/01/2023

Với những kết quả nổi bật mà chúng ta đã đạt được, năm 2022, Chính phủ đã thực hiện được chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2021", đồng thời thực hiện đúng chủ đề điều hành của năm là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển".

Năm 2022 Chính phủ đã hành động quyết liệt, hiệu quả với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phản ứng chính sách kịp thời - Ảnh 1.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khoá XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: Chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

2022 là năm của những biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, năm của những khó khăn, thách thức: Khó khăn, thách thức kép cả bên trong và bên ngoài, khó khăn và thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi; nhưng cũng là năm Chính phủ hành động quyết liệt, hiệu quả với nhiều thành tựu nổi bật được nhân dân ghi nhận.

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khoá XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: Chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh, đạt được thành tựu lớn trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, đồng hành của Quốc hội, các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự nỗ lực của Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương; sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Năm 2022 Chính phủ đã hành động quyết liệt, hiệu quả với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phản ứng chính sách kịp thời - Ảnh 2.

Trong năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì nhiều hội nghị quan trọng để phân tích, đánh giá đầy đủ, toàn diện những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn phát triển, từ đó có giải pháp khắc phục hiệu quả - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ứng phó linh hoạt, phản ứng chính sách kịp thời

Bên cạnh những thuận lợi, năm 2022, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, đến từ cả những yếu tố bên ngoài lẫn nội tại bên trong của nền kinh tế, đặc biệt trong những tháng gần đây.

Cụ thể, áp lực lạm phát tăng cao; khó khăn về thanh khoản của nền kinh tế; tình trạng thiếu hụt cục bộ xăng dầu; giá xăng dầu, nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực. Nhiều vấn đề tồn đọng, tích tụ lâu dài, nhất là trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản, các dự án tồn đọng, cần tập trung xử lý, tháo gỡ. Đây là những vấn đề có mối liên hệ chặt chẽ, dây chuyền, tác động qua lại lẫn nhau, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế.

Bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.

Công tác chỉ đạo, điều hành vừa kiên định, kiên trì thực hiện các chương trình, kế hoạch, mục tiêu đề ra; vừa nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, vừa tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh, bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến, phản ứng chính sách kịp thời, nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả; vừa giải quyết các vấn đề cấp bách, trước mắt, vừa tính tới các vấn đề chiến lược, lâu dài; tập trung xử lý các vấn đề vĩ mô nhưng cũng không lơ là trước các vấn đề nhỏ nhưng có thể tích tụ thành câu chuyện lớn.

Riêng về điều hành kinh tế vĩ mô, Chính phủ xác định, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, dao động, ngược lại phải luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo. Thủ tướng đã đưa ra thông điệp quan trọng về tập trung thực hiện "4 ổn định", "3 tăng cường", "2 đẩy mạnh", "1 tiết giảm" và "1 kiên quyết không" để phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra.

Chính phủ kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa tập trung, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; không chuyển trạng thái đột ngột (điều hành giật cục).

Tập trung nghiên cứu, điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữa lãi suất với lạm phát, sát thực tiễn tình hình. Bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tiền tệ.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; từng bước giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, nhân lực y tế, giáo dục; ổn định mặt bằng giá cả, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là các mặt hàng thiết yếu (điều chỉnh phù hợp chi phí, xử lý tình trạng thiếu hụt cục bộ nguồn cung xăng dầu).

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về ổn định hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng, 6 Tổ công tác đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Tổ công tác về ổn định thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Năm 2022 Chính phủ đã hành động quyết liệt, hiệu quả với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phản ứng chính sách kịp thời - Ảnh 3.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023, ngày 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ dự báo tình hình sắp tới có thời cơ, thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi; từ đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp tình hình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Những thông điệp mang tầm chiến lược

Thủ tướng đã nêu quan điểm mạnh mẽ: Chúng ta không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn mà đi tìm sự ổn định trong sự bất định; đi tìm sự chủ động trong thế bị động; đi tìm ổn định và nhất quán trong chuyển đổi và xáo trộn; thiết lập công cụ quản lý rủi ro trong suy thoái và khủng hoảng là thuộc tính của kinh tế thị trường; thiết lập phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế trong hội nhập.

Cùng với đó, Thủ tướng luôn nhấn mạnh quan điểm, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả là đòi hỏi khách quan, đồng thời là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, dân tộc ta. 

Quan điểm này cũng được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh với các bộ ngành khi xử lý những dự án yếu kém, chậm tiến độ, đó là muốn phát triển công nghiệp hiện đại thì dứt khoát phải phát triển những ngành cơ bản, nền tảng như luyện kim, hoá chất, cơ khí, chế biến chế tạo…

Để thực hiện mục tiêu trên, chúng ta dựa trên cơ sở 3 trụ cột là: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN. Trong quá trình này, Việt Nam không hy sinh công bằng, an sinh xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; xác định rõ, con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực của sự phát triển; phát huy giá trị văn hóa và tinh thần đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, tài năng và phẩm chất của con người Việt Nam để thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Thủ tướng, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân; với các vấn đề tác động đến toàn dân thì phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể; mọi chính sách hướng đến người dân và người dân phải tham gia xây dựng, thực hiện chính sách.

Trong xử lý các vấn đề liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, hoạt động của các tổ chức tín dụng, quan điểm là không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm,  tiêu cực để phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế và bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững, đúng pháp luật; tuyệt đối không để mất an toàn hệ thống, mất an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các chủ thể liên quan theo đúng quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Năm 2022 Chính phủ đã hành động quyết liệt, hiệu quả với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phản ứng chính sách kịp thời - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực tế tại khu vực Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco), sáng 31/7/2022 -Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quyết liệt, sâu sát với thực tế, cơ sở

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, coi trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; tổ chức nhiều hội nghị đối thoại quan trọng để lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc để có hướng khắc phục.

Một thông điệp luôn được Thủ tướng nhấn mạnh, đó là: Chính phủ luôn đồng hành với doanh nghiệp trên tinh thần "Lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ", "Hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân". Đến nay, nhiều thủ tục hành chính đã được bãi bỏ, cắt giảm, đơn giản hoá; nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đã được ban hành kịp thời góp phần quan trọng giúp "guồng máy kinh tế" vận hành trơn tru, được cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đánh giá rất cao, đồng tình hưởng ứng.

Thủ tướng đã chủ trì nhiều hội nghị, cuộc họp đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công nhằm giải quyết "căn bệnh nan y": chậm tiến độ giải ngân hay nghịch lý "có tiền mà không tiêu được". Nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan chậm giải ngân đã bị Thủ tướng công khai phê bình, nhắc nhở nghiêm khắc; yêu cầu tăng cường trách nhiệm cá nhân; quyết liệt yêu cầu Bộ trưởng, thủ trưởng các đơn vị, Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tiến độ giải ngân; đồng thời, vốn của những địa phương, cơ quan, công trình chậm giải ngân, kém hiệu quả đã được điều chuyển đến những địa chỉ giải ngân tốt… Nhờ sự chỉ đạo sát sao này, tỷ lệ giải ngân những tháng cuối năm đã được cải thiện rõ rệt, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm.

Chính phủ cũng đã phản ứng hết sức linh hoạt với những biến động lớn trên thế giới và trong nước, điển hình như trước diễn biến bất ngờ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh tăng lãi suất, tác động lớn thị trường tài chính toàn cầu, Thủ tướng đã họp gấp với các bộ ngành để chỉ đạo nóng, kịp thời bảo đảm ổn định vĩ mô; hoặc chỉ đạo kịp thời về điều hành bảo đảm cung ứng xăng dầu, ổn định thị trường tiền tệ…

Năm qua, khi nhà nhà vẫn còn rộn ràng không khí đầu Xuân Nhâm Dần thì Thủ tướng đã lên đường đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ, tổ chức nhiều cuộc họp gỡ vướng về giải phóng mặt bằng, vốn… những đoạn tuyến quan trọng của dự án đường cao tốc bắc nam đang được khẩn trương thi công.  Kiểm tra thực tế, Thủ tướng rất gay gắt với việc tài nguyên là của đất nước, trong khi nhiều mỏ đất, đá… lại giao cho tư nhân quản lý và họ lợi dụng "bắt chẹt", nâng giá, gây khan hiếm nguyên vật liệu. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương phải có giải pháp chấn chỉnh; tăng cường thanh kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật; sau đó, Chính phủ đã có các Nghị quyết, chỉ đạo xử lý vấn đề này.

Năm 2022 Chính phủ đã hành động quyết liệt, hiệu quả với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phản ứng chính sách kịp thời - Ảnh 5.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2022, cả nước cơ bản hoàn thành 565 km đường bộ cao tốc; đầu năm 2023, khởi công xây dựng 12/12 dự án thành phần với chiều dài 729 km của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025

Trong năm 2022, cả nước cơ bản hoàn thành 565 km đường bộ cao tốc, trong đó đã đưa vào khai thác 365 km và thông tuyến 200 km; khởi công xây dựng dự án Nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Đầu năm 2023, khởi công xây dựng 12/12 dự án thành phần với chiều dài 729 km của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trong năm 2023, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng một số đoạn cao tốc; một số dự án đường sắt đô thị; nâng cấp mở rộng, khai thác lưỡng dụng một số sân bay và nghiên cứu nâng cấp, mở rộng theo phương thức PPP để khai thác lưỡng dụng đối với một số sân bay khác…

Hình ảnh quen thuộc với người dân cả nước là cứ cuối tuần hoặc trong ngày nghỉ, Thủ tướng xuống làm việc với các địa phương. Trong năm, Thủ tướng đã có các chuyến công tác tới 25 tỉnh, thành phố từ Bắc tới Nam. Tại đây, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh bài học về dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, lợi ích của vùng, của đất nước, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất của mình, không trông chờ, ỷ lại; nội lực cần kết hợp với ngoại lực, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá.

Dành thời gian, công sức xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém, chậm tiến độ, Thủ tướng đã ra tận công trường, trèo lên lò cao đã han gỉ, xuống cấp nghiêm trọng do bị bỏ không nhiều năm để kiểm tra, tận mắt nắm rõ thực trạng dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (Tisco 2). Lãnh đạo Chính phủ đã không khỏi "sốt ruột và xót ruột" khi nhiều thiết bị, máy móc ở đây đã bị phơi mưa nắng suốt bao năm.

Thủ tướng cũng xuống tận nơi kiểm tra 3 dự án bệnh viện trung ương cơ sở 2 đã xây dựng và quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Người đứng đầu Chính phủ thực sự không hài lòng khi chứng kiến Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 đã cơ bản hoàn thành nhưng chưa thể đi vào hoạt động, hay dự án Bệnh viện Lão khoa Trung ương – cơ sở 2...

Họp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan về các dự án này, Thủ tướng đã quyết liệt yêu cầu: "Các đồng chí phải thấy được trách nhiệm của mình khi đất nước, nhân dân đang từng ngày mong mỏi dự án, công trình đi vào hoạt động".

Đến nay, đã có chủ trương, giải pháp để xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém, chuyển giao bắt buộc và kiểm soát đặc biệt 1 ngân hàng. Đã có phương án xử lý đối với 5/12 dự án và đang rất tích cực xây dựng phương án  khả thi, tốt nhất có thể đối với 7/12 dự án còn lại và các dự án phát sinh khác. Bên cạnh đó, đã xử lý xong, đưa vào hoạt động các nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1.

Năm 2022 Chính phủ đã hành động quyết liệt, hiệu quả với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phản ứng chính sách kịp thời - Ảnh 6.

Trong năm 2022, công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt, đời sống của người dân tiếp tục được chăm lo chu đáo, đầy đủ.

Thủ tướng thường xuyên đi thị sát, tìm hiểu đời sống của người lao động ở các địa phương, nhất là công nhân; xuống tận các nhà trọ công nhân trong ngõ sâu để tận mắt chứng kiến "nơi ăn, chốn ở" của người lao động. Đặc biệt, Thủ tướng đã dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận với các bộ, ngành, địa phương để tìm hiểu; làm rõ các khó khăn, vướng mắc từ cơ chế chính sách xây nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, từ đó tìm ra hướng giải quyết; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn, phối hợp chặt chẽ, dành nguồn lực và quỹ đất đầu tư cho việc này với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030.

Những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực

Với những nỗ lực không mệt mỏi trên, cả năm 2022, chúng ta đạt và vượt 13 chỉ tiêu, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt trong 15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Đặc biệt, tăng trưởng GDP khoảng 8,02%, mức kỷ lục trong 12 năm và vượt chỉ tiêu đề ra. Quy mô nền kinh tế đạt 409 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.110 USD, tăng 313 USD so với năm 2021; quy mô xuất nhập khẩu đạt hơn 730 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả. Khảo sát mức sống dân cư năm 2022, tình hình đời sống của hộ dân cư được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. Tính đến ngày 15/12, đã miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế phí, lệ phí và tiền thuê đất cho người dân và doanh nghiệp lên tới 193.000 tỷ đồng.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo với tinh thần "đầu tư cho xây dựng, hoàn thiện thể chế chính là đầu tư cho sự phát triển". Phát triển văn hóa được quan tâm, chú trọng hơn; chúng ta đã tổ chức thành công SEA Games 31, tham dự và đạt thành tích cao tại nhiều sự kiện thể thao lớn ở khu vực và thế giới, gây tiếng vang lớn, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế…

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch COVID-19; yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ với mục tiêu kiểm soát dịch, không để bùng phát trở lại, đặc biệt tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19; chỉ đạo tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh và đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, từng bước khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị và nhân lực y tế.

Nhờ thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp, dịch bệnh được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc, tỷ lệ chuyển nặng, tử vong thấp so với trung bình chung của thế giới (tỷ lệ tử vong do COVID-19 của Việt Nam là khoảng dưới 0,4%, thấp hơn trung bình của thế giới là 1,1%). Chiến dịch tiêm chủng đã đạt kết quả khả quan, tỷ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam đã ở mức rất cao và là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh. Từ ngày 08/3/2021 đến ngày 26/12/2022, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 265,4 triệu liều.

Nhờ chúng ta chuyển đổi nhanh, kịp thời sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19 theo Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ, Việt Nam đã mở cửa lại từ giữa tháng 3, tạo điều kiện thuận lợi phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Chúng ta đã hỗ trợ khoảng 87 nghìn tỷ đồng cho gần 56 triệu lượt người dân, người lao động và hơn 730 nghìn lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Để giữ vững thành quả này, Thủ tướng lưu ý không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh, đồng thời nhắc lại bài học: "chúng ta không bao giờ quên những ngày tháng khổ sở, gian khó, hy sinh, mất mát vì đại dịch COVID-19". Đồng thời, chủ động phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh khác, không để "dịch chồng dịch" và bảo đảm nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho Nhân dân.

Năm 2022 Chính phủ đã hành động quyết liệt, hiệu quả với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phản ứng chính sách kịp thời - Ảnh 7.

Trong năm 2022, tính đến cuối tháng 12, Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, thông qua 39 dự án, đề nghị xây dựng luật. Trong ảnh: Toàn cảnh phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế - khâu đột phá chiến lược

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo; chủ động, tích cực xây dựng, trình Quốc hội các dự án luật, pháp lệnh, cơ bản bảo đảm tiến độ và chất lượng. Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, người dân. Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Tính đến cuối tháng 12, Chính phủ đã tổ chức 9  phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, thông qua 39 dự án, đề nghị xây dựng luật. Chính phủ đã trình Quốc hội 19 dự án luật, 12 dự án luật đã được Quốc hội thông qua và 7 dự án luật đang được Quốc hội cho ý kiến. Chính phủ đã ban hành gần 110 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 28 Quyết định quy phạm pháp luật.

Việc rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được triển khai tích cực, hiệu quả; đến nay, giảm 7 tổng cục và tương đương; giảm 10 cục (thuộc bộ và thuộc tổng cục); giảm 60 vụ và tương đương (thuộc bộ và thuộc tổng cục); giảm 9 đơn vị sự nghiệp công lập. Dự kiến sẽ giảm 17 tổng cục, 8 cục, 145 vụ/ban, 22 đơn vị sự nghiệp công lập; ở địa phương, giảm 7 cơ quan chuyên môn và 6 tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh, 2.159 tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập.

Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Từng bước hoàn thiện hệ thống dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số, tiết giảm thời gian, chi phí và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Năm 2022 Chính phủ đã hành động quyết liệt, hiệu quả với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phản ứng chính sách kịp thời - Ảnh 8.

Thủ tướng kiểm tra các dự án hạ tầng quan trọng tại TP HCM, sáng 27/11/2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lãnh đạo Chính phủ hết sức quan tâm công tác quy hoạch phát triển của các địa phương. Nhiều lần, Thủ tướng trực tiếp ra hiện trường, kiểm tra, đối chiếu từng bản đồ quy hoạch với thực tế, chỉ đạo kịp thời về phát triển không gian, hệ thống giao thông trên địa bàn; nhất là gợi ý thay đổi tư duy, phương pháp tiếp cận, mạnh dạn phát triển các trục giao thông mới tạo ra không gian phát triển mới, tận dụng mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư đến làm ăn, tạo thêm nhiều việc làm, sinh kế cho người dân chứ không nên chỉ tư duy "bám trục quốc lộ, cao tốc".

Công tác xây dựng quy hoạch được chú trọng thúc đẩy; đã lập, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, một số quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương.  Tính đến cuối tháng 10/2022, đã có 38/38 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; 04 quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt; 15/38 quy hoạch ngành quốc gia đã lập xong, lấy ý kiến, trình thẩm định; 42 quy hoạch tỉnh đã được lập xong, bao gồm 01 quy hoạch đã được phê duyệt; 07 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong và đang hoàn thiện hồ sơ để trình phê duyệt; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và Nhiệm vụ lập quy hoạch 05 vùng; Chính phủ đang hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Thủ tướng cũng bày tỏ sốt ruột, bức xúc khi mà nhiều dự án, chương trình, vấn đề lớn liên quan quốc kế, dân sinh (mua sắm thuốc, giải phóng mặt bằng…) bị chậm giải quyết do tình trạng "đẩy qua, đẩy lại" giữa các bộ ngành, giữa Trung ương với địa phương, hoặc không ai dám làm, dám chịu trách nhiệm, dẫn đến công việc trì trệ. Do đó, Thủ tướng đã quyết liệt yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành bớt "thủ tục phiền hà, lòng vòng, giấy tờ nhiều", đừng câu nệ "quyền anh, quyền tôi".

Thủ tướng đã nhiều lần khẳng định, "Ai không làm được thì đứng sang một bên". Theo Thủ tướng, đối với những sai phạm thì phải kiên quyết xử lý nghiêm; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; nhưng khi chúng ta làm với động cơ trong sáng, không vụ lợi, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân thì Chính phủ luôn ủng hộ, bảo vệ những người chân chính, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Cũng trong năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số. Các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ, đặc biệt là  cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, liên thông với 47 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cấp hơn 76 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; đồng bộ trên 234 triệu thông tin tiêm chủng; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác định thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động...; từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số. Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả.

Nhờ đó, kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Năm 2022 Chính phủ đã hành động quyết liệt, hiệu quả với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phản ứng chính sách kịp thời - Ảnh 9.

Trong năm 2022, Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chuyến thăm, làm việc ở nước ngoài, đóng góp nhiều sáng kiến giá trị, tạo dấu ấn đậm nét, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ tại thủ đô Washington (tháng 5/2022) - ẢNh: VGP/Nhật Bắc

Củng cố uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Năm qua, đất nước chúng ta đạt nhiều thành tựu lớn trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã đồng thuận bầu Việt Nam trở thành một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam.

Đối với Thủ tướng, đây cũng là năm đối ngoại hết sức bận rộn khi dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ tại thủ đô Washington, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc; tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 40, 41 các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Campuchia; tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU và thăm chính thức Luxembourg, Hà Lan, Bỉ hết sức thành công, đóng góp nhiều sáng kiến giá trị, tạo dấu ấn đậm nét, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.

Cộng đồng quốc tế vẫn đặc biệt ấn tượng, đánh giá rất cao thông điệp được Thủ tướng đưa ra tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington (Hoa Kỳ) và tại nhiều sự kiện đối ngoại khác: Sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm có vai trò đặc biệt quan trọng để giải quyết những vấn đề đặt ra với thế giới hiện nay.

Thủ tướng luôn khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam là kiên trì, nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, bình đẳng, tất cả cùng có lợi, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Cũng trong năm qua, Người đứng đầu Chính phủ đón nhiều vị khách quý tới thăm Việt Nam với các cuộc làm việc hiệu quả, thiết thực, để lại dấu ấn tốt đẹp với bạn bè, đối tác quốc tế. Thủ tướng đã đón, hội đàm, hội kiến, tiếp, điện đàm với gần 90 lãnh đạo, quan chức các nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Đơn cử, đón Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Phạm Minh Chính mời nghệ nhân thư pháp viết tặng người đồng cấp 3 chữ "Chân thành, Tình cảm, Tin cậy" bằng tiếng Việt và tiếng Nhật. Thủ tướng cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz đi dạo hồ Gươm, thăm đền Ngọc Sơn và tại đây Thủ tướng Đức được một thầy đồ tặng bức thư pháp với dòng chữ: "Hòa bình, hữu nghị cùng phát triển". Cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính dạo bộ, thăm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã tự tay hái quả bưởi trong khu vườn và mời các quan khách hai nước, trong không khí hết sức thân tình và cởi mở.

Trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tác nước ngoài, Nhà lãnh đạo Chính phủ luôn đề nghị mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là các loại nông sản, trái cây theo mùa vụ…, thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm, thị trường và chuỗi cung ứng. Đồng thời, kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, giúp thực hiện các cam kết tại COP26; kêu gọi thực hiện hài hoà lợi ích, công bằng, công lý trong thực hiện chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.

Các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của đất nước trên trường quốc tế, khẳng định Việt Nam tự tin phục hồi nhanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững, tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, cho thấy Việt Nam đang chuyển trạng thái trong quan hệ hợp tác với các nước, các đối tác, từ giai đoạn các đối tác chủ yếu là hỗ trợ Việt Nam vượt qua khó khăn, xóa đói, giảm nghèo, sang giai đoạn hợp tác bình đẳng, hai bên cùng có lợi.

Năm 2022 Chính phủ đã hành động quyết liệt, hiệu quả với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phản ứng chính sách kịp thời - Ảnh 10.

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023 được nhiều định chế tài chính quốc tế lớn đánh giá là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm - Ảnh: Báo Quân đội nhân dân.

Các định chế tài chính quốc tế lớn như WB, IMF hay ADB… đều có những đánh giá kinh tế Việt Nam hết sức tích cực, là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm. Moody's nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam lên Ba2 với triển vọng "ổn định"; S&P nâng hạng lên BB+ với triển vọng "ổn định"; Fitch Ratings xếp hạng BB với triển vọng "tích cực". Nikkei Asia đánh giá chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu thế giới…

Theo tổ chức Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 11%, từ 388 tỷ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022, đồng thời Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (tăng 74% giai đoạn 2019-2022).

Theo công bố tại Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2022 Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng 20 bậc), xếp vị trí 48/132 quốc gia và xếp vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Forbes nhận định GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng nhất trong số tất cả các quốc gia trên thế giới: Giai đoạn 2006-2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo USD giá hiện hành đã tăng gần 371% (tăng gần 5 lần).

Năm 2022 Chính phủ đã hành động quyết liệt, hiệu quả với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phản ứng chính sách kịp thời - Ảnh 11.

Người dân cả nước chào đón năm mới 2023 với những màn pháo hoa rực rỡ ở nhiều địa phương cùng khát vọng, mong ước, tin tưởng vào tương lai phồn vinh, thịnh vượng của đất nước - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Người đứng đầu Chính phủ nhiều lần chia sẻ, "trong nguy có cơ", "non cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi"; "không có nhiệm vụ nào, công việc nào là dễ dàng, nhưng cũng không có nhiệm vụ nào, công việc nào là quá khó khăn đến mức không thể làm được". Nhiệm vụ trước mắt, cả năm 2023 và những năm tới là hết sức nặng nề, thử thách chồng chất nhưng để hoàn thành thắng lợi mọi mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2023 với khí thế Xuân mới, Thủ tướng luôn nhấn mạnh quan điểm phải đoàn kết, nhất trí dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nỗ lực vượt mọi khó khăn, thách thức; đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm hơn nữa, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia và Nhân dân lên trên hết, vì đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng, vì cuộc sống của Nhân dân ấm no, hạnh phúc.


Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.