Bắt đầu từ năm 2012, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên đã xây dựng Dự án thí điểm nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Sơn La. Mô hình này từng là kỳ vọng về phát triển kinh tế của người dân tái định cư ở thị xã Mường Lay.
Tuy nhiên, hơn 3 năm đi vào hoạt động, thì những người nuôi cá lồng đã vấp phải rất nhiều khó khăn. Từ hơn 40 hộ tham gia, hiện tại cả thị xã chỉ còn duy nhất một hộ còn nuôi cá lồng.
Ông Lành Nhật Sình, người dân phường Sông Đà, thị xã Mường Lay cho biết: “Chúng tôi đã từng thành lập một hợp tác xã để nuôi, nhưng từ ngày nước lên xuống thất thường nên bè tan rã, bị thiệt hại nhiều quá nên chúng tôi không làm lại được nữa”.
Theo một số người dân khác từng tham gia nuôi cá lồng tại địa phương cho biết, khi mô hình mới được triển khai đã mang lại những tín hiệu khá tích cực. Các lứa cá đầu được nuôi, như: cá rô-phi đơn tính, cá lăng, chiên… được đánh giá là sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống cao trên 70%. Thế nhưng sau vài năm, nguồn nước lòng hồ dần thiếu ổn định, chỉ có thể nuôi cá trong khoảng thời gian từ tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau. Khi thu hoạch lại đồng loạt khiến cho việc đầu ra sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu nơi tiêu thụ, người dân nuôi cá trở nên điêu đứng.
Ông Trần Văn Ngạn, Phó trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng, thị xã Mường Lay cho biết: để phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, tỉnh Điện Biên cũng đã đưa ra một số giải pháp. Cụ thể, địa phương sẽ chọn những giống cá đặc sản có thời gian sinh trưởng ngắn, thu hoạch nhanh để đảm bảo theo tích nước của lòng hồ Thủy điện Sơn La. Thứ hai là, nuôi thí điểm một số cá đặc sản có tiềm năng phát triển triển trên lòng hồ.
Hiện nay, thị xã Mường Lay có hơn 80% dân số là dân tái định cư, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản. Thế nhưng, khó khăn trong việc nuôi cá lồng lại đang đặt ra một bài toán cho chính quyền địa phương cần sớm giải quyết nhất là về nguồn vốn và đầu ra sản phẩm. Bên cạnh đó địa phương cần nghiên cứu các giống cá phù hợp điều kiện thực tế mang lại hiệu quả kinh tế cao để người dân phát triển kinh tế bền vững.
Để phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, tỉnh Điện Biên cũng đã đưa ra một số giải pháp. Cụ thể, địa phương sẽ chọn những giống cá đặc sản có thời gian sinh trưởng ngắn, thu hoạch nhanh để đảm bảo theo tích nước của lòng hồ Thủy điện Sơn La”. Ông Trần Văn Ngạn, Phó trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng, thị xã Mường LayVŨ LỢI