Điện về trên những bản nghèo
Nà Trà là bản thuộc xã Pi Toong, huyện Mường La, hiện có 42 hộ đồng bào dân tộc Mông với hơn 200 nhân khẩu sinh sống. Thu nhập của bà con chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, nên đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, gần 100% là hộ nghèo. Thực hiện Dự án cấp điện nông thôn, bản đã được đầu tư xây dựng 1 trạm biến áp 35kV, gần 4km đường dây trung thế, 0,6km đường dây hạ thế, lắp đặt 42 công tơ.
Ông Lường Văn Vui, Phó Chủ tịch UBND xã Pi Toong cho biết, trước đây, khi chưa có điện lưới quốc gia, bà con phải tận dụng nước từ các khe suối, mấy hộ chung nhau lắp một máy thủy điện mini, nhưng điện cũng không đủ sáng, không đủ dùng mà lại thiếu an toàn. Bà con vẫn phải sử dụng đèn dầu để thắp sáng, cuộc sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, nhất là việc học hành của trẻ em.
Giờ đây điện về bản, nhiều hộ trong bản đã mua sắm ti-vi, tủ lạnh, quạt...; được tiếp cận với các thông tin từ phương tiện truyền thanh, biết được tình hình của địa phương, học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ các mô hình hiệu quả ở nhiều địa phương khác nhau mà không cần phải đi đâu, từ đó áp dụng vào nâng cao kiến thức sản xuất, chăn nuôi, làm kinh tế để thoát nghèo.
Từ năm 2017 đến nay, huyện Mường La được Dự án cấp điện nông thôn (do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư) cấp điện từ lưới điện quốc gia cho các hộ dân chưa có điện trên địa bàn. Hiện đã hoàn thành xây dựng 33km đường dây trung thế, hơn 9km đường dây hạ thế, 12 trạm biến áp, cấp điện cho 511 hộ dân các xã Pi Toong, Tạ Bú, Chiềng Công, Chiềng Hoa, Ngọc Chiến và Nậm Giôn.
Tính đến nay, toàn huyện có 265/288 bản, trên 20.000 hộ dân có điện, đạt 93% số hộ được sử dụng điện quốc gia. Điện về bản nghèo đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống Nhân dân ở các xã vùng ĐBKK của huyện.
Đi đầu trong công tác tuyên truyền
Trong quá trình triển khai thực hiện, Dự án cấp điện nông thôn đã gặp không ít khó khăn do địa bàn trải dài trên diện rộng. Hầu hết các bản trong vùng Dự án nằm ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa.
Điện lực Mường La đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan, đặc biệt là các xã, bản nằm trong Dự án, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng.
Cùng với triển khai các Dự án, Điện lực Mường La đã có những giải pháp nhanh chóng, kịp thời khắc phục sự cố trong mùa bão lũ. Nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại và thời gian mất điện do sự cố, bảo đảm cấp điện ổn định và an toàn cho phụ tải trong mùa mưa lũ.
Hiện nay, Điện lực Mường La quản lý, vận hành 151 trạm biến áp, tổng chiều dài đường dây trung thế và hạ thế gần 570km cung cấp điện lưới quốc gia, phục vụ cho trên 17.000 khách hàng ở 16/16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Dương Quyền, Phó Giám đốc Điện lực Mường La cho biết, với sự nỗ lực của ngành Điện và sự ủng hộ tích cực từ Nhân dân, từ cuối năm 2018 tới nay, Điện lực Mường La đã đưa gần 40 trạm biến áp vào vận hành phục vụ đồng bào các dân tộc khu vực chưa có điện. Những đường dây trần, nhỏ nhằng nhịt từ điện nước được loại bỏ, thay thế bằng lưới điện quốc gia an toàn, trọng tải lớn.
Để nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, Điện lực Mường La thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm, an toàn bằng nhiều hình thức…
Với sự nỗ lực của ngành Điện, sự hỗ trợ của các địa phương và sự ủng hộ của Nhân dân, điện đã thắp sáng hàng nghìn căn nhà của đồng bào các dân tộc ở Mường La, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững.