Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mùa nhãn chín

Thạch Bích Ngọc - 14:58, 24/08/2021

Năm nay, dịch Covid-19 bùng phát, đầu tháng 8, mẹ gọi điện báo mùa nhãn chín đã tới. Dịp này, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, nên mẹ sẽ không gửi nhãn cho tôi như mọi năm. Nghe mẹ nhắc đến vườn nhãn, bao ký ức tuổi thơ tôi lại ùa về.

Đặc sản nhãn lồng Hưng Yên
Đặc sản nhãn lồng Hưng Yên

Mặc dù đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay, thế nhưng năm nào cũng vậy, khi mùa nhãn bắt đầu chín là mẹ lại gửi vào cho tôi vài thùng đầy những chùm nhãn tươi rói, ngọt ngào. Những chùm nhãn này được cha hái từ chính những cây nhãn trồng trong vườn nhà. Xa quê bao năm, công việc và cuộc sống mưu sinh vất vả nơi đất khách quê người khiến tôi đôi lúc lãng quên nhiều thứ. Thế nhưng mỗi độ mùa nhãn chín là tôi lại nôn nao nỗi nhớ quê, nhớ vườn nhãn thân thương với rất nhiều kỷ niệm thời thơ ấu…

Tôi sinh ra tại một làng quê thuộc xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu - một vùng trồng nhãn có diện tích lớn nhất của tỉnh Hưng Yên. Từ xa xưa, nhãn lồng Hưng Yên đã được trồng ở đây và được xem là loại trái cây ngon ngọt nổi tiếng. Nếu như huyện Thanh Hà (Hải Dương), Lục Ngạn (Bắc Giang)… có sản vật vải thiều nổi danh, thì với vùng quê của tôi “Nhãn lồng Hưng Yên” cũng là loại quả được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xếp hạng 13 trong số 50 loại trái cây ngon nổi tiếng nhất đất nước. Nhãn lồng Hưng Yên ngoài sự khác biệt về hình thức, đó là trái rất to, chùm sai trĩu trịt quả, cho năng suất vượt trội, thì cùi của trái dày cùng vị ngọt thanh của nó cũng làm nên hương vị riêng mà các giống nhãn trồng ở nơi khác không thể có được.

Vì là “vùng nhãn” nên hầu như gia đình nào ở trong làng, ngoài xã cũng trồng nhãn. Nhà ít thì dăm bảy cây, nhà có đất vườn rộng thì trồng vài ba chục cây. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, nhìn thấy giá trị kinh tế của cây nhãn hơn hẳn so với nhiều loại cây trồng khác, nhiều hộ nông dân đã vực đất ruộng lúa lên cao để trồng nhãn. Theo đó, những hàng cây nhãn không chỉ phủ bóng nơi vườn quê mà nó còn xuất hiện dày đặc nơi ruộng đồng, bờ bãi ven sông.

Gia đình tôi cũng không ngoại lệ khi mảnh vườn rộng gần ngàn mét vuông từ thời ông nội tôi đã được trồng trên đó 20 cây nhãn. Rồi ông bà nội tôi trở thành người thiên cổ, cha mẹ tôi “tiếp quản” những cây nhãn ông bà để lại và coi đó là thứ tài sản quý giá. Đều đặn mỗi năm, những cây nhãn ấy luôn cho trái, bán ra tiền để nuôi sống các thành viên trong gia đình. Cũng từ đồng tiền tích cóp được từ bán nhãn, bố mẹ tôi dùng để kiến thiết, sửa sang nhà cửa, mua sắm các vật dụng sinh hoạt hàng ngày… Ngay cả 4 anh chị em chúng tôi ăn học nên người cũng nhờ những cây nhãn trong vườn.

Vùng trồng nhãn lồng ngoài bãi ở Hưng Yên
Vùng trồng nhãn lồng ngoài bãi ở Hưng Yên

Vườn nhãn của gia đình đã đi qua quãng đời tuổi thơ tôi với rất nhiều kỷ niệm khó quên. Nào là những lần tôi cùng cha đào đất khơi gốc nhãn để bón phân chuồng, hay bắc thang cắt gội những cành nhãn già, cành khô cho cây ra nhiều lộc mới ở mùa sau. Rồi những dịp nắng hạn dài ngày, năm nào tôi cũng cùng mẹ gánh nước ở dưới ao lên tưới cho những gốc nhãn để chúng đủ độ ẩm nuôi cây, nuôi hoa, trái. Thế nhưng, đáng mong đợi hơn cả là khi vào mùa nhãn chín, mấy anh chị em chúng tôi tha hồ ăn nhãn.

Mùa nhãn chín thường trùng với khoảng thời gian nghỉ hè. Mấy anh chị em chúng tôi không phải tới trường nên có thể phụ giúp cha mẹ, ông bà thu hái nhãn để bán. Mỗi người một công việc. Cha tôi, anh cả tôi có sức khỏe thì đảm nhận phần việc trèo lên cây để bẻ nhãn. Còn ông bà, mẹ và mấy anh chị em chúng tôi ở dưới gốc đón những thúng nhãn từ trên cây cao truyền xuống. Sau đó phân loại, bó, buộc từng túm một với trọng lượng khoảng vài kg.

Những năm tôi còn bé, các gia đình trồng nhãn ở quê tôi đều phải tự bẻ nhãn rồi mang ra chợ bán. Thế nhưng, những năm sau này, người trồng nhãn quê tôi nhàn hạ hơn, khi thương lái tới tận vườn mua. Họ tự trèo lên cây bẻ nhãn xuống, sau đó mới cân tính tiền. Cũng có những gia đình bán cả vườn nhãn cho thương lái theo kiểu bán “vo”, nghĩa là ước lượng sản lượng của số cây nhãn rồi nhân ra tiền… Thực ra chuyện bán nhãn theo kiểu “vo” như vậy người nông dân thường chịu thiệt, nhưng vì gia đình neo người, sợ chim, dơi ăn hết nên họ phải bán theo hình thức này.

Thu hoạch nhãn lồng
Thu hoạch nhãn lồng (Ảnh minh họa)

Thời gian trôi qua thật nhanh, mới ngày nào đó, tôi cũng như lũ bạn trong xóm vẫn thường ngày nô đùa vui chơi dưới tán những cây nhãn trong vườn, vậy mà giờ đây ai cũng đã trưởng thành.

Năm nay, dịch Covid-19 bùng phát, đầu tháng 8, mẹ gọi điện báo mùa nhãn chín đã tới. Dịp này, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, nên mẹ sẽ không gửi nhãn cho tôi như mọi năm. Nghe mẹ nhắc đến vườn nhãn, bao ký ức tuổi thơ tôi lại ùa về. Tôi thèm cái cảm giác được hòa mình dưới những tán cây nhãn trong vườn sai quả để thỏa thích thưởng thức những trái nhãn to tròn, ngọt ngào đến khó quên…

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích… Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.