Do ảnh hưởng của mưa to kèm giông lốc vào khoảng 3 sáng 24/8, tại thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh đã xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng khiến, 1 nhà dân bị sập hoàn toàn (hộ anh Phùng Văn Giờ, thôn Khâu Phiêng); 2 nhà bị sạt lở ta luy dương. Đường giao thông huyện từ xã Yên Hoa đến trung tâm xã Khâu Tinh bị sạt lở nghiêm trọng (khoảng 7 - 8 điểm).
Đặc biệt, 3 cháu nhỏ là: Phùng Thị Mai Duyên (sinh năm 2011), Phùng Thị Ngọc Mây (sinh năm 2012), Phùng Đức Thuận (sinh năm 2015), là các con của anh Phùng Văn Giờ (sinh năm 1990), dân tộc Mông, tại thôn Khâu Phiêng, bị thiệt mạng do nhà anh Giờ bị sập.
Đoàn công tác đến xã Khâu Tinh đã thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại do thiên tai. Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT đã gửi lời thăm hỏi và trao quà của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT; của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho các gia đình bị nạn.
Sau khi đi kiểm tra thực địa, ông Trần Quang Hoài đã đề nghị, UBND tỉnh Tuyên Quang khẩn trưởng chỉ đạo cắm biển cảnh báo sạt lở, rào chắn không cho người, phương tiện vào khu vực có nguy cơ sạt lở. Huy động lực lượng xung kích phòng chống thiên tai rà soát những nơi đang và sẽ có nguy cơ xảy ra sạt lở, khẩn trương di dời người dân, tài sản ra khỏi khu vực đến nơi an toàn.
Ông Trần Quang Hoài cũng đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang nhanh chóng kiện toàn bộ máy lực lượng xung kích PCTT; đào tạo, đầu tư các trang thiết bị thiết yếu để xử lý tình huống thiên tai. Tiếp tục khẳng định phương châm “4 tại chỗ” đặc biệt quan trọng, trong đó, lực lượng xung kích PCTT cơ sở là nguồn nhân lực quan trọng khi có thiên tai xảy ra theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 9/7/2021 về việc xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND các tỉnh, thành phố và các các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng và củng cố lực lượng xung kích PCTT tại cơ sở.
Bước đầu, cơ quan chức năng đã rà soát được 53 khu vực có nguy cơ sạt lở.
Ngoài thiệt hại nặng nề tại Tuyên Quang, một số tỉnh khác là Thái Nguyên và Sơn La cũng đang chịu thiệt hại trong đợt mưa lớn này. Bước đầu, thiệt hại về nhà được ghi nhận là có 1 nhà bị sập và 46 nhà bị tốc mái. Về nông nghiệp hiện đã có 102,9 ha lúa và 274,3 ha rau màu bị ngập, thiệt hại; 114 gia súc, 349 gia cầm bị chết; 7,3 ha ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Cùng với đó, có 4 tuyến đường tỉnh và một số tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở, ngập…
Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La, rạng sáng ngày 24/8 tại xã Nậm Păm, huyện Mường La có mưa rất to, với lượng mưa trên 200 mm gây ra lũ lớn, đã có 550 hộ dân phải sơ tán tạm thời; 1 nhà và một số cống thoát lũ bị cuốn trôi; sạt lở 6 km, 37ha nông nghiệp thiệt hại. Rất may không có ai bị thiệt mạng. Hiện nay, Đoàn công tác của tỉnh do ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp cận hiện trường để chỉ huy ứng phó, khắc phục.
Tại Thái Nguyên, mưa gió đã làm 47 nhà sập và tốc mái; 102,9ha lúa cùng 274,3ha rau màu bị thiệt hại; hàng trăm gia súc, gia cầm bị chết; 1 xe ô tô bị nước cuốn trôi; sập đổ 25m tường rào UBND xã Vũ Chấn (Thái Nguyên).