Tính đến 18 giờ ngày 16/6, mưa dông lớn kèm theo mưa đá đã làm một người chết (do sập nhà) tại thành phố Cần Thơ. Thiên tai làm 41 căn nhà bị sập hoàn toàn và tốc mái, khoảng 300 cây thanh nhãn bị đổ. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 800 triệu đồng.
Mưa đá và mưa lớn trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng làm một người chết (do nước cuốn trôi), hai căn nhà và một cư xá tại phường Uyên Hưng, thành phố Tân Uyên bị tốc mái, 91ha lúa, hoa màu bị ngập úng, 4 cây xanh đô thị bị gãy đổ và một đường dây điện bị đứt. Tổng thiệt hại về tài sản, ước tính khoảng 180 triệu đồng. Tại thành phố Thủ Dầu Một, ba phòng trọ và một mái che bị tốc mái, 10 cây xanh đô thị bị gãy đổ và một số tuyến đường ngập úng khoảng 20cm làm ảnh hưởng đến lưu thông của người dân như: Ngã 3 cống đường Thích Quảng Đức, đường Cách mạng tháng 8 (đoạn từ quán Hàng Dừa tới Cầu Trắng), vòng xoay Võ Văn Kiệt...
Mưa lớn kèm theo lốc xoáy quét qua các xã, thị trấn ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước gây nhiều thiệt hại về tài sản của người dân. Lốc xoáy ở khu phố Đức Lập, thị trấn Đức Phong làm tốc mái và hư hỏng một số vật dụng của một hộ dân. Tại thôn 2, xã Nghĩa Trung lốc xoáy làm tốc mái hoàn toàn 2 căn nhà, gãy đổ nhiều cây trồng. Trên địa bàn xã Đức Liễu, mưa lớn kèm dông và lốc xoáy xảy ra ở thôn 5 và thôn 7, làm tốc mái hoàn toàn 5 căn nhà, nhiều cây trồng của người dân bị gãy đổ.
Tại TP. Hồ Chí Minh, mưa lớn trên diện rộng kéo dài hàng giờ đã làm nhiều cây xanh bị đổ ở đường Nguyễn Văn Trỗi (Phường 11, quận Phú Nhuận), đường Pasteur (Quận 1), đường Lý Thái Tổ (Quận 10)...; ngập cục bộ tại nhiều tuyến đường như, đường Lê Lai, đường Lê Thánh Tôn, các tuyến đường xung quanh khu vực Chợ Bến Thành (Quận 1)... khiến nhiều phương tiện giao thông chết máy. Đặc biệt, tại các Quận 1, 3, 4, 8, 10... đồng loạt xuất hiện mưa đá.
Tại các tỉnh Gia Lai, Tiền Giang, dông lốc đã làm 4 nhà sập đổ, 27 nhà tốc mái.
Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, mưa lớn, sạt lở đất đã làm 10 nhà tốc mái, hư hại; 27,353ha hoa màu bị đổ gãy, thiệt hại; 2ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại; 4 điểm bị sạt lở với khối lượng khoảng 400m3.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã đến thăm hỏi, động viên những gia đình có người chết. Đồng thời huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ bà con khắc phục thiệt hại, di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn, sớm ổn định cuộc sống.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 17-26/6, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ đêm và sáng có mưa rào, dông rải rác, cục bộ có mưa to. Tây Nguyên và Nam Bộ chiều tối và đêm có mưa rào, dông rải rác, cục bộ có mưa to. Các khu vực trên đề phòng trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương chịu ảnh hưởng của mưa lớn, kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo; thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng lực lượng tại chỗ kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Đài truyền hình cấp tỉnh, các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.
Trước đó, từ ngày 8-10/6, mưa lớn kèm theo dông lốc gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, đặc biệt là 3 địa phương Hà Giang, Quảng Ninh và Hải Phòng.
.