Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Sự kiện - Bình luận

Một vị tướng huyền thoại

Thanh Hải - 18:52, 11/08/2021

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng lĩnh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đội quân do tướng Giáp chỉ huy đã lần đầu tiên trong lịch sử thế giới đánh bại hai kẻ thù sừng sỏ nhất thế kỉ 20, là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Điều đó đã làm nên một Võ Nguyên Giáp huyền thoại ngay cả khi đang còn tại thế.

Tướng Giáp là con người kiệt xuất mang tư tưởng thời đại
Tướng Giáp là con người kiệt xuất mang tư tưởng thời đại


Tình yêu nước, yêu dân tộc chính là động lực để anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp dấn thân vào con đường cách mạng và lựa chọn nghề giáo là điểm khởi đầu cho việc thực hiện lí tưởng của mình. Năm 1934, sau khi đỗ tú tài toàn phần, Võ Nguyên Giáp đã trở thành một giáo viên Lịch sử tại trường tư thục Thăng Long (Hà Nội). Ông được học sinh kính trọng và ca ngợi là dạy giỏi bởi sự nhiệt huyết, am hiểu tường tận về những vấn đề lịch sử và được trình bày theo cách riêng của mình.

Nhưng, bước chân, hoài bão của thầy Giáp đã không dừng lại ở đó. Giữa năm 1940, ông đã rời trường Thăng Long bước sang chặng đường mới, để lại trong kí ức không thể nào quên của các học trò Thăng Long một hình ảnh thầy Giáp với những bài giảng thấm đượm tinh thần yêu nước và nhiệt tình cách mạng. Tinh thần đó cũng là hành trang quan trọng bậc nhất của thầy Giáp cho mãi đến cuối đời.

Rồi chỉ 4 năm sau, ông đã là thủ lĩnh của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, với 34 chiến sĩ và 34 khẩu súng trường. Cuối năm 1944, anh Văn đã lãnh đạo, chỉ đạo đội quân cách mạng của mình làm nên hai trận thắng đầu trong đời binh nghiệp: Phay Khắt, Nà Ngần.

Nhưng anh Văn được cả thế giới nể phục, phải là trận chiến “chấn động địa cầu” - Điện Biên Phủ 1954. Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, Hồ Chủ Tịch đã căn dặn tướng Giáp, rằng: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn bạc thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng”.

Thấm nhuần lời dạy của Hồ Chủ Tịch, kết hợp nhãn quan chính trị và kiến thức của bản thân, ông đã phát huy lên tầm cao mới nghệ thuật chiến tranh Nhân dân trở thành một nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là cuộc chiến tranh toàn dân tham gia, toàn diện trên các mặt trận, kết hợp quân sự, chính trị và ngoại giao, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. 

Tướng Giáp đã sáng tạo ra nhiều cách đánh độc đáo chưa hề có trong lịch sử chiến tranh cả ở Việt Nam và trên thế giới, như phương châm tác chiến “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, nghệ thuật tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, đánh chắc, tiến chắc, “đánh điểm diệt viện”, kết hợp “vận động chiến với công kiên chiến” khiến đối phương bất ngờ, lúng túng và bị động đối phó.

Và rồi, bằng quyết định thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, Võ Nguyên Giáp đã làm nên Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuốn hồi ký “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử”, Võ Nguyên Giáp đã thổ lộ: “Tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”. Tinh hoa quân sự từ con người tướng Giáp đã được ông tỏa sáng để làm nên chiến thắng lẫy lừng sau “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong thời khắc sinh tử, khi vận mệnh dân tộc được quyết định bởi một sự lựa chọn, tướng Giáp đã tỏa sáng. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, khi tình thế cấp bách, nắm bắt thời cơ chiến lược, ông đã hạ lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam”. 

Thế rồi, mệnh lệnh đó ngay lập tức đã được truyền đạt tới toàn quân và trở thành một sức mạnh phi thường để rút ngắn thời gian giải phóng miền Nam từ 2 năm (1975 - 1976) theo kế hoạch ban đầu xuống 1 năm (1975). Sự đối đầu giữa quân đội Việt Nam do tướng Giáp chỉ huy và quân đội Mỹ hiện đại, đã cho thấy tài thao lược xuất chúng của ông. Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã phải 4 lần thay tướng Tổng Tư lệnh. Ngoài ra, quân đội Mỹ còn bị thương vong 20 tướng khác là một nỗi ê chề to lớn.

Hẳn là rất nhiều người sẽ phải ngưỡng mộ với anh Văn, khi ông được phong quân hàm Đại tướng ở tuổi 37 - rất trẻ so với con đường binh nghiệp của mình. Ngưỡng mộ hơn khi tướng Giáp là người có quân hàm Đại tướng dài nhất, gần 67 năm. 

Chưa kể, Võ Nguyên Giáp còn là người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và cho tới nay là người duy nhất 2 lần được tặng thưởng Huân chương này (lần thứ nhất năm 1950 và lần thứ hai năm 1979).

Trong cuốn sách được xuất bản tại Anh năm 2008 mang tựa đề “Những nhà lãnh đạo quân sự lớn và những chiến dịch của họ”, giới thiệu 59 nhân vật danh tiếng nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh của thế giới trong 2.500 năm qua, thứ tự được xếp theo trình tự thời gian từ cổ đến kim. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lựa chọn là nhân vật thứ 59, tức là nhân vật nổi bật nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II cho tới hiện nay và cũng là người duy nhất trong 59 nhân vật vẫn còn sống khi cuốn sách được xuất bản.

Võ Nguyên Giáp là vị tướng của Việt Nam được dư luận thế giới ca ngợi nhiều nhất và suy tôn “là nhân vật vĩ đại của mọi thời đại, một vị tướng huyền thoại và là một trong những nhà quân sự vĩ đại nhất của thế kỷ XX”. Trong lịch sử thế kỷ XX, thế giới không có một vị tướng nào như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đánh bại nhiều tướng nhất và được cả thế giới vinh danh.

Chẳng thế mà khi nói về tướng Giáp, Willliam Westmoreland - một viên tướng người Mỹ đã ca ngợi: Mọi đức tính tạo thành một nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc như sự quyết đoán, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung trí tuệ và hành động, trí thông minh, tất cả đều có ở tướng Giáp - một vị chỉ huy vĩ đại.

Sinh ra trong loạn lạc, lớn lên trong đấu tranh cách mạng rồi làm nên những chiến công vĩ đại… tất cả dường như là sự định sẵn của lịch sử. Thời thế đã tạo nên anh hùng, tạo nên một tướng Giáp xuất chúng, một huyền thoại ngay cả khi đang còn tại thế.

Tin cùng chuyên mục
Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Để sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), Bộ Tài chính có Văn bản số 8006/BTC-NSNN ngày 31/7/2023 hướng dẫn thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn rất nhiều địa phương vẫn còn nhiều tài sản công bị bỏ hoang, chưa có phương án sắp xếp, gây lãng phí kèo dài.