Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Môi trường sống

Một số kỹ năng thoát hiểm trong mưa, lũ

Thiên An - 21:08, 30/10/2020

Những trận mưa, lũ vừa xảy ra ở các tỉnh miền Trung thật khủng khiếp, đã đe dọa và cướp đi tính mạng của nhiều người dân. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, người dân cần trang bị kỹ năng tự cứu mình trong mưa, lũ. Một số kinh nghiệm được các chuyên gia kỹ năng sinh tồn đúc kết vẫn có thể giúp hiện thực hóa cơ hội sống sót trong lũ dữ.

Người dân xã miền núi Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) vận chuyển hàng cứu trợ bằng bè tự chế bám theo dây cáp nối 2 bên đường trên Tỉnh lộ 571
Người dân xã miền núi Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) vận chuyển hàng cứu trợ bằng bè tự chế bám theo dây cáp nối 2 bên đường trên Tỉnh lộ 571

Liên tục trong những ngày tháng 10, miền Trung gánh chịu các đợt lũ chồng lũ, bão chồng bão gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Việc người dân tự trang bị cho mình kỹ năng thoát hiểm trong mưa, lũ là rất cần thiết.

Chuyên gia kỹ năng sinh tồn Lê Thanh Lưu cho biết: Khi thấy có nguy cơ lũ lụt, người dân nên liệt kê danh sách các vật dụng, vật liệu có thể nổi trong nhà mình. Đặc biệt, lưu ý việc huy động các loại dây buộc như dây dù, dây chun, dây thép, dây phơi...

Một số kỹ năng giúp người dân vùng lũ lụt có thể tự cứu mình với các phương án tạo vật nổi như can nhựa, có thể kết khoảng 4 cái loại 10 lít lại với nhau bằng những thanh gỗ, tre... để tạo được 1 chiếc bè cho 1 người lớn và 1 trẻ em.

Đơn giản hơn, ta dùng chai nhựa các loại, vặn chặt nút chai, cho vào bao tải và buộc chặt để kết thành một cái bè. Hoặc dùng túi nylon loại dày, lấy đầy khí rồi buộc chặt; dùng mảnh xốp... cho vào bao tải buộc lại cũng có tác dụng như khi dùng chai nhựa.

Khi không có áo phao, ta có thể dùng săm xe đạp, xe máy quàng quanh ngực và vai trẻ nhỏ thay cho áo phao cứu sinh. Các cây tre, nứa, gỗ, chuối... kết bè cũng rất tốt. Nên dùng dây thép, đóng đinh liên kết chặt chẽ cả bó lại bằng các thanh ngang tại 3 điểm đầu - giữa - cuối. 

Có thể tận dụng các vật dụng sẵn có để tạo thành bè mảng
Có thể tận dụng các vật dụng sẵn có để tạo thành bè mảng

Một vật dụng thoát hiểm rất hiệu quả trong mưa lũ là bồn nước. Lưu ý, lấy nước ra nồi, xô, chậu... để dự trữ vì nước lúc này rất quý. Đổ quá nửa nước vào để giúp bồn thăng bằng hơn khi nổi trên mặt nước. Buộc kín nắp đậy và gia cố thêm vật nổi 2 bên để biến cái bồn nước thành chiếc bè chắc chắn.

Đặc biệt, khi lũ quét ập đến, nên hít thở thật mạnh để vượt qua trạng thái hoảng loạn và tự nhủ mình nhất định sẽ thoát. Chạy nhanh đến vị trí cao và vững chắc nhất.

Theo các chuyên gia khuyến cáo, người dân tuyệt đối không lội qua lũ, dù chỉ sâu 15cm. Độ sâu ấy, dòng lũ có thể đẩy ta đến chỗ sâu hơn, nước xiết hơn. Bất cứ chỗ nào mực nước chỉ cần ngập mắt cá chân đều nguy hiểm, nhất là khi thiên tai xảy ra vào ban đêm, tầm nhìn hạn chế. Gắng cầm theo một gậy cứng để dò mực nước và khỏi tụt hố sâu hay vấp vật cản lớn.

Nếu bị nước cuốn, hãy cố gắng bám chặt hoặc leo lên ngay vật gì đó bên cạnh nếu có. Khi trôi theo dòng nước, hãy chồm lên các vật nổi chứ không chui qua chúng. Miệng hét lớn và có thể giơ một tay vẫy cho đến khi được cứu…

Tin cùng chuyên mục
Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Đầu giờ chiều nay (20/9), trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trương Thanh Duẩn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết: “Hiện toàn xã có 428 hộ dân bị ngập trong nước. Trong đó, các hộ dân ở khu vực Cồn Ba đã ngập sâu 2m”.