Với các tác phẩm mang thông điệp, chương trình nhằm phát huy thế mạnh của hoạt động văn hóa, nghệ thuật, với sứ mệnh truyền tải và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng thông điệp về bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao nhận thức, từ đó có những hành động bảo vệ môi trường thiết thực.
Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Hoàng Đạo Cương cho biết, từ năm 1972, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức quyết định chọn ngày 5/6 là ngày Môi trường thế giới và giao cho Chương trình Môi trường Liên hợp quốc hàng năm tổ chức các hoạt động hưởng ứng nhằm nâng cao nhận thức về môi trường và bảo vệ môi trường trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới được tổ chức thường niên và đã trở thành phong trào rộng khắp trên cả nước nói chung và của ngành VHTT&DL nói riêng, góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm, vai trò quan trọng của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội trong bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển bền vững và góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
Năm 2023, chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã phát động các hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó tập trung thực hiện chiến dịch chống ô nhiễm nhựa.
“Đây là một thông điệp mạnh mẽ và thiết thực về sự cần thiết, cấp thiết, không chỉ đối với Việt Nam mà trên toàn thế giới, là yêu cầu cấp bách trong giảm thiếu phát sinh rác thải nhựa, xây dựng một lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương khẳng định.
Chương trình nghệ thuật “Một rừng cây, một đời người” là một trong những hoạt động quan trọng và có ý nghĩa được tổ chức với mong muốn nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường thông qua hoạt động văn hóa nghệ thuật, từ đó góp phần đổi hành vi từ đó có những hành động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo đó, chương trình được kết hợp giữa nghệ thuật múa với âm thanh, ánh sáng, hình ảnh nhằm tạo ra những bức tranh nghệ thuật sinh động. Các ca khúc trong chương trình được phối theo phong cách hiện đại, qua đó nói lên tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ rừng như: Trái đất này là của chúng mình, Một đời người một rừng cây, Tình yêu của đất và nước, Nhà em ở lưng đồi, Tiếng hát môi trường, Guốc mộc...
Ngoài biểu diễn nghệ thuật, chương trình còn kết hợp trưng bày các tác phẩm nhiếp ảnh, các thước phim về môi trường. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, góp thêm động lực để mỗi người có ý thức sống xanh, sống đẹp, sống có ích, vì một môi trường xanh, sạch, đẹp.