Nghĩ lớn-làm lớn
Chia sẻ về cuộc đời mình, ông Chung bùi ngùi nhớ lại, bố mẹ ông sinh rất nhiều con nên cuộc sống quanh năm túng thiếu. Khi lập gia đình, ông ra ở riêng với hai bàn tay trắng.
Với hoàn cảnh khó khăn lúc đó, ông đã phải phiêu dạt đi làm ăn ở khắp nơi trong tỉnh Tuyên Quang, rồi về cả mạn Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên kiếm kế mưu sinh… Thế rồi, cơ duyên cho ông làm việc ở một trang trại chăn nuôi khép kín (từ khâu chăn nuôi lấy phân trồng cây, trồng cỏ sau đó quay lại đầu tư vào sản xuất) ở Hưng Yên. Làm ở đây ngót 10 năm ông cũng đã tích lũy được một số lớn kinh nghiệm.
Năm 2000, ông Chung trở lại địa phương vay mượn được hơn 7 triệu đồng. Ông đã quay vào đầu tư nuôi bò và trồng rừng. Sau hơn 10 năm làm ăn, thu nhập gia đình ông bước đầu có của ăn của để, với thu nhập từ 40, 50 triệu đồng/năm.
Không an phận, sau nhiều lần đi thăm quan học tập các trang trại lớn ở Vĩnh Phúc, Hưng Yên, ông trăn trở đến mất ngủ. Sau nhiều đêm thức trắng suy tính, ông Chung đã hạ quyết tâm làm giàu.
Năm 2013, ông bàn với vợ, lấy toàn bộ số tiền tích lũy trong nhiều năm, bán hết đồ đạc có giá trị trong nhà, vay mượn khắp nơi và cắm sổ đỏ ngân hàng được hơn 1 tỷ đồng đầu tư vào trang trại chăn nuôi lợn. Lúc ấy, cả xóm nghĩ ông Chung bị khùng, nhiều người thân cũng ngăn cản. Nhưng với quyết tâm và lòng tự tin của mình, ông Chung vẫn quyết tâm làm cho bằng được.
Với số tiền hơn 1 tỷ đồng, ông Chung tiến hành xây thêm chuồng trại, nâng tổng diện tích chuồng lên tới 500m2, khoan giếng, xây hầm biogas, mua 70 con lợn nái và 1.600 con lợn thịt.
Ông Chung chia sẻ thêm, những bước đi đầu tiên trong kinh doanh không bao giờ là thuận lợi. Năm 2017, giá lợn trên thị trường xuống quá thấp gây tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi. Không những vậy, đến năm 2018 và đầu 2019, người chăn nuôi như ông Chung lại tiếp tục đối diện với dịch LMLM và dịch tả lợn châu Phi. Nhưng điều quan trọng nhất là, ông không bao giờ bỏ cuộc. Ông đã chủ động tham gia học lớp thú y chăn nuôi do tổ chức JNV (Nhật Bản) tổ chức. Đồng thời, ông chủ động tìm các đầu mối thương lái uy tín, thu mua số lượng lớn đảm bảo vào hệ thống các siêu thị nên ông đã đứng vững trước những bão tố của ngành Chăn nuôi.
Thành quả ngọt ngào
Với quyết tâm cùng sự chịu khó học hỏi nâng cao kỹ thuật, trang trại của ông Chung đã được hưởng những thành quả rất ngọt ngào. Hiện nay, trang trại của ông đã phát triển tổng số 130 con lợn nái, đàn lợn thịt tập trung gần 2.000 con. Doanh thu mỗi năm của gia đình lên tới 14 tỷ đồng, trừ mọi chi phí, ông thu lãi hơn 2 tỷ đồng.
Ngoài chăn nuôi lợn, hiện gia đình ông Chung còn đầu tư trồng thêm 8ha rừng bạch đàn mô U6, tạo công ăn việc làm cho 7 lao động. Mỗi năm ông trả cho công nhân khoảng 40-50 triệu đồng/người, giúp họ có cuộc sống ổn định.
Ông Chung tự hào khoe “Nhờ nguồn thu nhập từ chăn nuôi, làm rừng, hiện gia đình ông đã xây dựng căn nhà lầu khang trang đồng thời mua được ô tô cá nhân gần 1 tỷ đồng phục vụ nhu cầu đi lại”.
Từ năm 2015 đến nay, bản thân ông Chung trở thành “thầy giáo” đến trao đổi kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho hàng chục hộ gia đình ở địa phương cùng nhau chăn nuôi vươn lên thoát nghèo. Trong các cuộc vận động làm nhà văn hóa, đường bê tông, xây dựng nông thôn mới của địa phương gia đình ông luôn đi đầu đóng góp.
Với những thành tích đó, Ông Hoàng Văn Chung là một trong 4 nông dân tỉnh Tuyên Quang được đi dự Hội nghị đại biểu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V, giai đoạn 2012-2017 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Ông vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng 3. Trong Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Tuyên Quang lần thứ III vừa qua, ông Hoàng Văn Chung là Đại biểu được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang.
HIẾU ANH