Năm 2017, Khánh Vĩnh bắt đầu triển khai liên thông trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên phần mềm một cửa điện tử. Sự thay đổi này, mang lại hiệu quả cao trong công tác CCHC của huyện, làm cho người dân cảm thấy hài lòng.
Bà Lê Thị Kim Hoa, Trưởng phòng Nội vụ huyện Khánh Vĩnh cho biết: Do đặc thù là huyện miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trước đây, nhiều người dân ở huyện không chú ý làm giấy khai sinh, khi trẻ bị bệnh mới đi làm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi. Bên cạnh đó, việc cấp thẻ BHYT được UBND xã giao cho người hoạt động không chuyên trách, cộng với điều kiện đi lại khó khăn, công chức thường đợi có 2-3 hồ sơ trẻ đăng ký khai sinh mới làm thẻ BHYT một lần, dẫn tới trễ hạn.
Từ tháng 4/2017, UBND huyện Khánh Vĩnh công bố giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông “3 trong 1” đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi. Để thực hiện công việc này một cách trôi chảy, tạo thuận lợi cho người dân, UBND huyện chỉ đạo công chức văn hóa-xã hội trực tiếp tham mưu giải quyết các TTHC liên quan đến trẻ em; lao động, thương binh và xã hội.
Huyện cũng đề nghị Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty PSC mở module liên thông cho huyện từ ngày 1/6/2017. Tiếp đó, để liên thông cấp thẻ BHYT cho trẻ, huyện đề nghị Bảo hiểm xã hội (BHXH) tham gia bộ phận một cửa của huyện và cấp tài khoản cho giám đốc, công chức tham mưu giải quyết trên phần mềm.
Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo cấp xã sử dụng phần mềm chuyên dụng của Viettel, VNPT, CMC… để chuyển thông tin cho cả BHXH huyện và hệ thống phần mềm “một cửa”. Mọi thông tin đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú trong ngày được nhập vào các phần mềm để in ra tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHYT, BHXH (TK3). Bản điện tử TK3 được chuyển BHXH huyện. BHXH huyện tiếp nhận, giải quyết và chuyển trả cấp xã qua chuyển phát nhanh.
Bà Nguyễn Thị Cẩm, Giám đốc BHXH huyện Khánh Vĩnh cho biết, nhờ liên thông “3 trong 1”, quy trình cấp thẻ BHYT từ lúc nhận hồ sơ liên thông điện tử ở cấp xã hiện chỉ 5 ngày. Trong đó, BHXH huyện xử lý 3 ngày, còn lại là thời gian chuyển thông tin và trả kết quả. Cán bộ xã cũng không phải đến giao dịch trực tiếp với BHXH.
Đặc biệt, việc thực hiện liên thông “3 trong 1”, giúp người dân giảm tối đa thời gian đi lại nên đa số đều rất hài lòng. Ông Lê Bảo Quốc (thôn Đông, xã Sông Cầu), người đã làm thủ tục liên thông “3 trong 1” chia sẻ: “Trước đây mỗi lần làm giấy khai sinh, đăng ký thường trú và thẻ bảo hiểm cho trẻ em phải đi lại nhiều lần nhưng nay, tôi làm giấy tờ cho đứa cháu mới sinh chỉ đi một lần và so với thời gian ghi trong giấy hẹn, tôi được nhận cùng lúc 3 loại giấy tờ sớm hơn 2 ngày”.
Theo lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh, để thực hiện có hiệu quả CCHC, huyện đề ra nhiều giải pháp: đối với các thủ tục liên quan đến tàng thư, Công an huyện sẽ cấp phôi sổ hộ khẩu cho Công an xã để số hóa hồ sơ đầu vào. Khi thực hiện việc liên quan đến sổ hộ khẩu, Công an xã sẽ scan kết quả sổ hộ khẩu lên phần mềm để Công an huyện kiểm tra, nếu đồng ý sẽ cho trả kết quả. Định kỳ thứ Sáu hằng tuần, Công an xã nộp hồ sơ vào tàng thư Công an huyện để cơ quan này hậu kiểm.
Bằng cách này, thủ tục đăng ký thường trú từ 15 ngày giảm còn 5 ngày; tách sổ hộ khẩu từ 7 ngày còn 3 ngày; cấp đổi, cấp lại sổ hộ khẩu từ 3 ngày còn 2 ngày. Ngoài 2 lĩnh vực trên, UBND huyện còn liên thông trực tuyến trên phần mềm một cửa điện tử trong các lĩnh vực: lao động, thương binh và xã hội, thuế, đất đai, tài nguyên môi trường, tài chính kế hoạch.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên việc CCHC huyện có sự chuyển biến đáng kể, từ chỗ xếp hạng yếu về CCHC năm 2015, 2 năm liền sau đó, huyện Khánh Vĩnh đều được xếp hạng tốt. “Năm 2018, huyện tiếp tục chuyển trả kết quả tận nhà qua đường bưu điện thay vì trả cấp xã rồi xã phát cho người dân, giải quyết triệt để việc chờ nhận kết quả. Huyện cũng tiếp tục tạo điều kiện triển khai những ý tưởng CCHC mang tính đột phá, tạo thuận lợi cho người dân và tiết kiệm chi phí quản lý cho chính quyền”, bà Lê Thị Kim Hoa cho biết thêm.
THÀNH NHÂN