Làm thế nào nâng cao giá trị sản phẩm của đồng bào?
Trà hoa vàng vốn dĩ là cây dược liệu rất quen thuộc với giới Đông y, nhưng nếu chỉ dừng lại ở giá trị này thì trà hoa vàng cũng chỉ là một sản phẩm nông nghiệp truyền thống; hiểu đơn giản là trồng, hái rồi bán ra thị trường nên giá trị không cao.
Nhưng với đồng bào dân tộc Dao ở Ba Chẽ (Quảng Ninh), trà hoa vàng đích thị đem lại “vàng” từ loại dược liệu này, dưới sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và hỗ trợ của chính quyền địa phương, đồng bào Dao đã tinh chế thành 3 sản phẩm: trà túi lọc, trà hoa khô và trà lá khô. Với các sản phẩm này, một ha trồng trà hoa vàng của đồng bào Dao Ba Chẽ thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Nhưng nếu chỉ dừng lại ở khâu tinh chế trà hoa vàng thành các sản phẩm trà khác nhau thì chưa hẳn đã nâng giá trị của loại dược liệu này. Để tạo thương hiệu thì sản phẩm từ trà hoa vàng phải tham gia một cuộc chơi rất khắc nghiệt để chứng minh chất lượng, theo hướng gia tăng từng giai đoạn. Người nông dân, chủ sở hữu của sản phẩm phải thi với các đối thủ khác và thi với chính mình. Đây là quá trình người trồng trà hoa vàng tham gia vào Chương trình OCOP.
Theo Giáo sư Trần Văn Ơn, cố vấn Chương trình OCOP, thi đánh giá và phân hạng các sản phẩm là một trong 3 điểm mấu chốt của Chương trình OCOP. Sau khi người dân đề xuất sản phẩm, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ để sản phẩm đó chính thức “lên sàn” OCOP; nhưng để đứng vững thì rất cần xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm.
Như trà hoa vàng ở Ba Chẽ cũng đã trải qua một chặng đường để “nâng cấp” từ “1 sao” lên “4 sao” như hiện nay. Tức là sản phẩm trà hoa vàng đã chứng minh được chất lượng sản phẩm, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, có doanh thu cao tại các hội chợ. Các tiêu chí này tiếp tục được nâng cấp theo chuỗi giá trị để đạt “5 sao”; nếu không thì sẽ bị “hạ chuẩn”. Cuộc chơi OCOP vì thế rất khắc nghiệt nhưng là quy trình bắt buộc để nâng cao giá trị sản phẩm.
(Chuyên mục này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)
TÙNG NGUYÊN