Sau 75 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm nào trong cộng đồng, dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát mạnh trở lại. Tính từ ngày 27/4 đến nay, cả nước đã có thêm hàng trăm ca lây nhiễm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo đó, cả nước đã có 4 nguồn dịch được xác định bao gồm: Đà Nẵng, Yên Bái, Bệnh viện K và Bệnh viện bệnh Nhiệt Đới Trung ương cơ sở 2; nguồn dịch mới xuất hiện tại Hải Dương là ca bệnh nhập cảnh trái phép từ Lào. Từ 4 nguồn dịch này đã lây lan ra 26 tỉnh, thành phố, với 486 ca mắc COVID-19 trong nước.
Đặc biệt, trong ngày 10/5 đã đánh dấu một “kỷ lục” mới trong diễn biến dịch khi ghi nhận lần đầu tiên các trường hợp mắc COVID-19 vượt ngưỡng ba con số/ngày, ở mức 129 ca mắc mới. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng ngày 10/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thẳng thắn: “Chúng ta ở trong tình trạng báo động cao do nguy cơ và khả năng lây nhiễm của virus mạnh.”
Phó Giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cũng cho biết, đợt dịch lần này phức tạp hơn các đợt dịch trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng (với chủng của Anh và Ấn Độ) nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn.
Đặc biệt trong và sau dịp nghỉ lễ 30/4, lượng người di chuyển giữa các địa phương là rất lớn, việc truy lùng, phong toả khu vực mà các bệnh nhân dương tính với Covid-19 từng đến sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đối với những bệnh nhân có lịch trình di chuyển phức tạp, đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người lại càng gây áp lực lớn cho cơ quan chức năng.
Như bệnh nhân 2982 tại Đà Nẵng, từ ngày 19/4 đến ngày 2/5, bệnh nhân hầu như ngày nào cũng di chuyển đến các địa điểm khác nhau như đi giao đồ ăn, đi gửi hàng, đi mua sắm, đi hát Karaoke, đi ăn uống gặp gỡ rất nhiều người. Hay bệnh nhân 2998 với lịch trình phức tạp khi đi du lịch tại Sapa…
Không những vậy, hoạt động nhập cảnh trái phép tại biên giới Tây Nam nước ta cũng đang rất "nóng". Mới đây là vụ tá túc “chui” của 50 người Trung Quốc tại toà chung cư Florence, ở 28 phố Trần Hữu Dực, phường Cầu Diễn và tòa nhà C3 - D'Capitale , phường Trung Hòa tại Hà Nội, lại một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng vượt biên trái phép và tổ chức vượt biên trái phép nhằm trục lợi cá nhân...
Trước sự phức tạp của tình hình dịch bệnh hiện tại, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chính phủ kêu gọi toàn thể Nhân dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài, vì lợi ích của mỗi cá nhân, cộng đồng và của quốc gia, dân tộc tự giác thực hiện nghiêm các quy định của các cấp có thẩm quyền về phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19. Cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia phòng chống dịch”.
Một trong những biện pháp đầu tiên để kiểm soát tình hình chính là hoạt động “Khai báo y tế”. Hiện nay, các cơ quan, tổ chức, các khu dân cư… đều yêu cầu người dân thực hiện khai báo y tế bắt buộc bằng hình thức khai báo trên giấy và khai báo trực tuyến.
Chị Hoàng Thu Hiền, cư dân tại chung cư Rice City, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Vừa từ quê lên đến sảnh chung cư là bác bảo vệ đã yêu cầu hai vợ chồng phải khai báo y tế tại quầy ngay. Do nắm được tình hình phức tạp, nên gia đình chị nghiêm túc chấp hành, kê khai cũng chỉ mất mấy phút lại đảm bảo an toàn cho mình và mọi người xung quanh.
Khác với chị Hiền, anh Vũ Việt Dũng cư dân tại Toà Nơ 3, Linh Đàm (Hà Nội) lại lựa chọn khai báo y tế Online trên điện thoại. Đồng thời, anh Dũng cũng cho biết, anh đã tải ứng dụng Bluezone về điện thoại cá nhân.
Đây là ứng dụng rất hữu ích do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế phối hợp cùng Công ty công nghệ BKAV triển khai. Với ứng dụng này, người dùng có thể khai báo y tế và kiểm tra xem xung quanh mình có trường hợp nào tiếp xúc với ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc người có tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm hay không, với điều kiện những người đó sử dụng điện thoại thông minh và cùng cài đặt ứng dụng này.
Bộ Y tế ngày 2/5 cũng đã có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông thực hiện thông điệp 5K (khẩu trang, khoảng cách, không tập trung, khử khuẩn, khai báo y tế) theo hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid - 19. Tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tại các nơi công cộng để phòng chống dịch Covid - 19 ; thực hiện xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Với kinh nghiệm 3 lần dập dịch thành công, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng cũng như sự chấp hành nghiêm túc của người dân để đợt dịch thứ 4 này sớm kết thúc.
Tuy nhiên, kịch bản lúc nào cũng có thể thay đổi. Những biến cố khó lường có thể xảy đến bất cứ lúc nào, đòi hỏi chúng ta phải luôn cảnh giác và tự giác chấp hành các quy định chung về phòng chống dịch. Đừng vì chút lợi cá nhân mà gây ảnh hưởng đến cộng đồng, vì cái giá phải trả cho nó là quá đắt!