Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

“Mốc giới sống” bên dòng Nậm Cúm

Hà Minh Hưng - 17:06, 16/08/2021

Lai Châu có đường biên giới Việt - Trung dài trên 265 km, phần lớn nằm dọc theo các dãy núi cao, hiểm trở. Vì thế, việc quản lý, kiểm soát đường biên, mốc giới gặp không ít khó khăn. Suốt gần 40 năm qua, có một gia đình người Dao đã tình nguyện sát cánh với lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) bảo vệ, trông coi mốc giới. Đó là gia đình ông Lý A Nhị, nguyên Trưởng bản Hùng Pèng.

Kiểm tra mốc giới là công việc hàng ngày của người dân bản Hùng Phèng, xã Ma Ly Pho (Phong Thổ)
Kiểm tra mốc giới là công việc hàng ngày của người dân bản Hùng Phèng, xã Ma Ly Pho (Phong Thổ)

Bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho (Phong Thổ) cách cửa khẩu Ma Lù Thàng gần 5 km, men theo suối Nậm Cúm. Nơi con suối chia dòng cũng là mốc giới phân định giữa nước ta và nước bạn (Trung Quốc). Bản Hùng Pèng có khoảng gần 50 nóc nhà, trên 170 nhân khẩu là người Dao. 

Biết có khách ghé thăm, ông Nhị đón chúng tôi bằng những cốc trà xanh mát ủ trong ấm tích. Thứ chè rừng này mới đầu nhấp có cảm giác ngai ngái, nhưng chỉ uống một lần sẽ nhớ mãi vị ngọt mát đườm đượm đầu lưỡi. 

Nhấp ngụm trà, ông bồi hồi: "Từ ngày cái chân biết đi rừng, biết lội suối bắt cá, mình chẳng bao giờ biết khóc. Vậy mà, hôm chia tay nơi ở cũ để lên Hùng Pèng, nước mắt tự dưng cứ lăn ra. Buồn thì không, nhưng thương vợ và con gái. Vợ khi ấy mới sinh con được 7 ngày".

Rồi ông Nhị dẫn chúng tôi đi thăm cột mốc chỉ cách nơi ngồi uống nước hơn 10m, ngay giữa sân nhà ông. Từ vị trí này phóng tầm mắt qua dòng Nậm Cúm là thấy rõ cảnh sinh hoạt của người dân nước bạn. Cột mốc 67 (2) được dân nơi đây gọi là cột mốc đôi, bởi cột mốc 67 (1) ở phía bên kia dòng Nậm Cúm, trên địa phận Trung Quốc.

Năm 1975, theo chủ trương giãn dân lên vùng biên giới lập bản, 30 hộ dân xã Ma Ly Pho đã chuyển đến nơi ở mới, lập nên bản Hùng Pèng. Ngày trước, Hùng Pèng là những bãi đất nương, bà con dựng lán trông giữ hoa màu khi vào kỳ thu hoạch. Hồi đó, nhiều người chưa hiểu được việc bảo vệ đường biên, mốc giới nên khi đi rừng kiếm củi, săn bắn đã vô ý làm hư hại, bong tróc, ảnh hưởng đến cột mốc, thậm chí còn tự ý qua lại biên giới.

Những năm đó, ông Nhị được bà con bầu làm Trưởng bản. Cứ tối đến, khi bà con đi nương về, ông lọ mọ đến từng nhà trò chuyện, vận động thực hiện nghiêm việc bảo vệ đường biên, mốc giới. "Khi làm Trưởng bản, trong các cuộc họp, ông Nhị luôn căn dặn bà con rằng cột mốc không chỉ đơn thuần là điểm đánh dấu, phân định ranh giới giữa các nước, mà còn là hình ảnh quốc gia. Không chỉ BĐBP, mỗi người dân Hùng Pèng cũng phải có trách nhiệm bảo vệ đường biên, mốc giới. Đến hôm nay, bà con vẫn chưa khi nào quên lời ông Nhị", Trưởng bản Hùng Pèng Lý Dâu Phùng tâm sự.

Trước đây, dọc đoạn biên giới dài 20 km này hầu như không có người ở, dù cột mốc đã dựng lên. Dân bản ở cách đó khá xa, nên việc bảo vệ biên giới rất khó khăn. Nhiều lần, người dân bên kia biên giới sang địa phận của ta, khai thác lâm thổ sản, săn bắt và xua trâu bò của họ sang chăn thả, phá hoại hoa màu trên nương của bà con. "Ngày trước, khi về nơi ở mới, nhiều người quen việc tự do vào rừng săn bắn, lấy gỗ. Nay khác xưa rồi, hộ nào muốn vào rừng lấy củi cũng phải tự giác báo với mình và Trưởng bản. Bà con đã coi việc bảo vệ biên cương là nhiệm vụ chung, ai cũng phải tham gia", ông Nhị tâm đắc.

Ông Lý A Nhị (người đứng lau cột mốc) và người dân bản Hùng Phèng, xã Ma Ly Pho (Phong Thổ) dọn vệ sinh, kiểm tra cột mốc 67 (2).
Ông Lý A Nhị (người đứng lau cột mốc) và người dân bản Hùng Phèng, xã Ma Ly Pho (Phong Thổ) dọn vệ sinh, kiểm tra cột mốc 67 (2).

Ông Nhị dẫn chứng mới đây, có nhóm người lạ vào bản Hùng Pèng. Ông Lý A Sử, nhà ở đầu bản, thấy lạ nên yêu cầu họ xuất trình giấy tờ, cũng như khai báo lịch trình di chuyển, rồi ông nhanh chóng báo ngay với Trưởng bản. Thì ra, họ là các hộ kinh doanh ở ngoài trung tâm huyện, vào bản thu mua nông sản. Việc nhỏ thôi nhưng cũng đủ thấy tinh thần cảnh giác an ninh, bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid -19 của dân Hùng Pèng như thế nào.

Đại tá Phan Hồng Minh, Chính ủy BĐBP tỉnh Lai Châu cho biết: Đến nay Lai Châu đã có hơn 200 nhóm hộ và tự quản tổ an ninh trật tự thôn bản của 23 xã biên giới. Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn bản, ở các xã biên giới cũng như nhận thức của người dân về quốc gia, quốc giới ngày càng chuyển biến rõ rệt và trở thành một một phong trào sâu rộng trong công tác “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Chia tay bà con Hùng Phèng, chia tay ông già người Dao, chúng tôi không quên được câu nói chắc như gỗ lim, gỗ sến nơi rừng già: “Giờ thì già vui và yên cái bụng rồi. Cột mốc nay được chỉnh trang, tôn tạo to đẹp hơn, không như thời trước, mốc giới đơn giản chỉ là cái cây to, hòn đá. Ngày nào sức còn, tôi không cho phép mình sao nhãng công việc bảo vệ đường biên cột mốc. Sau này cái chân yếu, đã có con có cháu, có bà con dân bản thay mình trông giữ”.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.