Che chở bằng tình làng, nghĩa xóm
Trở về quê hương, không còn đất đai, nhà cửa, ruộng vườn, hiện gia đình ông Vương Văn Long (SN 1977) ở thôn 19, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông mượn căn nhà gỗ cũ của người thân ở thôn 20, xã Đắk Drông ở tạm.
Bà Hoàng Thị Tăng, vợ ông Long ngậm ngùi bảo: Trở về quê hương với 2 bàn tay trắng, cơm không có ăn, nhà không có ở, cay đắng vô cùng. Nhờ được sự quan tâm, động viên, hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, nhất là lực lượng Công an và hàng xóm, người thân trong việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm và cho mượn nhà để ở, giúp gia đình đang từng bước ổn định cuộc sống.
“Tôi rất ân hận vì nhẹ dạ mà bị kẻ xấu xúi giục rời bỏ quê hương đẩy các con, các cháu vào hoàn cảnh ngặt nghèo. Khi đi thì cả đại gia đình, lúc về gia đình người con trai cả không về được, bây giờ gia đình ly tán, con cháu chịu cảnh khổ cực, bơ vơ, sống chui, sống lủi ở nơi xứ người. Nguyện vọng của gia đình là mong muốn các cấp chính quyền và lực lượng Công an tạo điều kiện hỗ trợ để các con, các cháu về quê hương đoàn tụ với gia đình”, bà Tăng nói.
Không những tay trắng vì đã bán hết ruộng vườn đi tìm thiên đường ảo vọng, anh Siu Blêh, làng Khô Roa, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, Gia Lai còn mắc thêm bệnh lao, kiệt sức vì lao động cực khổ bên Thái Lan.
Anh Blêh cho biết: Mất tiền của, mất cả sức khỏe, bây giờ được đoàn tụ với gia đình, được chính quyền tạo điều kiện cho thẻ bảo hiểm đi chữa bệnh, được bà con trong làng giúp đỡ cho mình làm thuê đổi công trang trải. Cuộc sống dần ổn định, đúng là không đâu bằng quê hương mình.
Ông Trương Văn Thượng, Trưởng thôn 20, xã Đắk Drông cho biết: Các trường hợp bị kẻ xấu lừa phỉnh trước khi đi Thái Lan đều có nhà cửa, ruộng vườn và có cuộc sống ổn định. Nhưng vì nghe theo kẻ xấu qua Thái Lan, ngày trở về chỉ còn tay trắng. Trước thực tế này, các tổ chức, hệ thống chính trị thôn và lực lượng Công an luôn quan tâm, động viên và tạo mọi điều kiện để họ sớm có công ăn việc làm ổn định cuộc sống.
Không đâu bằng quê hương
Theo số liệu từ Công an huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, đầu năm 2023 trên địa bàn huyện có khoảng 40 trường hợp người đồng bào DTTS vượt biên trải phép, trong đó, không ít trường hợp đến nơi mới biết mình bị lừa. Hầu hết họ đã gom góp, bán đất đai, nhà cửa để có tiền bạc nộp tiền để vượt biên tìm cuộc sống giàu sang. Nhưng khi đi đến nước bạn phải thuê nhà ở, phải trốn chui trốn lủi, công việc bấp bênh, cuộc sống khổ cực khiến nhiều người bị vỡ mộng.
Trung tá Bùi Mạnh Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Chư Pưh, cho biết: Công an huyện Chư Pưh đã tham mưu Ủy ban và các ban, ngành, đoàn thể của huyện tăng cường công tác tuyên truyền vận động. Trước tiên, về phương thức thủ đoạn của đối tượng xấu là dụ dỗ, lôi kéo nhằm mục đích lừa tiền. Thực tế, không có thiên đường như lời của các đối tượng dụ dỗ. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền phổ biến pháp luật việc di cư, vượt biên trái phép là vi phạm pháp luật cả bên Việt Nam và Thái Lan để người dân nhận thức rõ, không tin và nghe theo.
Đồng thời, chủ động giáo dục răn đe nhiều đối tượng có tư tưởng, hoạt động móc nối, tìm hiểu và đã đấu tranh bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến hoạt động lôi kéo, dụ dỗ đồng bào DTTS trên địa bàn.
Nhờ đó, tình trạng người dân trên địa bàn huyện vượt biên trái phép được kéo giảm. Trong 5 tháng đầu năm 2024, cơ bản không có đối tượng nào nghe theo, di cư sang Thái Lan.
Tương tự, Trung tá Nguyễn Trung Hữu, Trưởng Công an huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cho biết, trên địa bàn huyện Cư Jút có một số hộ dân là đồng bào DTTS nhẹ dạ, cả tin, nhận thức thấp, bị kẻ xấu xúi giục, lừa phỉnh bán hết đất đai, nhà cửa, ruộng vườn đi theo ảo vọng về một cuộc sống sung sướng, nơi đất khách quê người. Vừa qua, có 7 trường hợp tự nguyện hồi hương từ Thái Lan trở về. Hiện vẫn còn nhiều người không may mắn mắc kẹt nơi đất khách, họ vẫn ngày đêm trông ngóng, chờ ngày đoàn tụ với gia đình, bon làng.
Khi người dân vượt biên trở về, chúng tôi thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ họ bằng cả vật chất và tinh thần để họ yên tâm làm ăn ổn định cuộc sống. Trước mắt, chúng tôi đã và đang tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân.
Thông qua mô hình dân vận khéo “Giới thiệu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số”, Công an huyện Cư Jút cũng liên hệ với các đơn vị, doanh nghiệp, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho những hộ gia đình bị kẻ xấu lừa phỉnh, bán hết nhà cửa, tài sản qua Thái Lan trở về địa phương, giúp họ có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.