Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mô hình “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc”: Hiệu quả thiết thực

Minh Triết - 10:40, 24/09/2019

Xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu (An Giang) có khoảng 3,2km đường biên giới, gồm 2,5km đường bộ và 700m đường thủy tiếp giáp với xã Kaomsano, quận Lecdec, tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia). Mô hình “Tổ phụ nữ bảo vệ đường biên, cột mốc” xã Vĩnh Xương phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Sông Tiền thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực.

Mô hình “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc”: Hiệu quả thiết thực

Các hội viên Hội Phụ nữ cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra canh gác đường biên giới.

Có mặt tại vùng biên giới của An Giang giáp ranh với Campuchia cuối tháng 8 vừa qua, đúng dịp Bộ Tư lệnh Biên phòng tổ chức giao lưu hữu nghị biên giới giữa hai nước Việt Nam Campuchia, tôi theo chân các chị phụ nữ trong “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc” xã Vĩnh Xương cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Xương đi tuần dọc biên giới và thăm các cột mốc. Những năm trước khi lũ về, lực lượng tuần tra canh gác biên giới cột mốc đi tuần thường dùng xuồng hoặc bo bo, dịp này do không có lũ nên đồng ruộng cạn khô, lực lượng phải đi bộ.

Chia sẻ về công việc với tinh thần đầy trách nhiệm, chị Huỳnh Thị Cẩm Giang, thành viên của tổ cho biết: Được tham gia cùng các chiến sĩ đi tuần đường biên giới và canh gác cột mốc quốc gia, chúng tôi thấy tự hào lắm. Mỗi lần đứng nghiêm chào cột mốc cảm thấy trách nhiệm của mình gắn liền với niềm tự hào và xúc động.

“Là người con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất biên giới giáp với Campuchia, chứng kiến bao nhiêu biến cố, chúng tôi và bà con ở đây đều ý thức rất cao trách nhiệm bảo vệ đường biên, cột mốc. Đây là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả mà ai cũng phải tự giác thực hiện, chứ không phải phân biệt nam hay nữ”, chị Cẩm Giang chia sẻ.

“Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên cột mốc” xã Vĩnh Xương thu hút 15 chị em tham gia. Hằng tuần, các thành viên chia ca, phối hợp với Bộ đội Biên phòng đi tuần tra, canh gác đường biên và cột mốc, hằng tháng có họp mặt báo cáo chung và đưa ra kế hoạch hoạt động của tháng tiếp theo.

Theo Đại úy Vũ Thế Tuyên, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương, Bộ đội Biên phòng An Giang những năm qua công tác phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng, với chính quyền địa phương luôn chặt chẽ, nhịp nhàng. Các đoàn thể và người dân hỗ trợ với lực lượng rất tốt, nhất là công tác bảo vệ đường biên giới cột mốc, có chuyện gì hay địa phương xuất hiện người lạ đều báo cho Đồn nắm và theo dõi…

Thời gian qua, Đồn phối hợp địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân địa phương về giáo dục pháp luật; Nghị định 34 về việc qua lại biên giới quốc gia, quy chế cửa khẩu… từ đó nhận thức người dân ngày càng tốt, hạn chế tối đa việc vi phạm quy chế biên giới. Người dân ngày càng nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và giữ gìn trật tự xã hội địa phương.

Thông tin với chúng tôi về hoạt động của mô hình “Tổ phụ nữ bảo vệ đường biên, cột mốc”, bà Phạm Thùy Trang, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Xương cho biết Hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các vấn đề về chủ quyền, an ninh biên giới.

“Cùng với tăng cường công tác tuần tra, Hội sẽ đề xuất khen thưởng các chị em, người dân có nhiều đóng góp tích cực trong việc giữ gìn các đường biên, cột mốc, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới”, bà Phạm Thùy Trang nói.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.