Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mở cửa trở lại bảo đảm an toàn, hiệu quả, tạo cơ hội phục hồi du lịch

PV - 16:18, 09/03/2022

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện phương án mở cửa du lịch; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và doanh nghiệp.

Du khách quốc tế thăm phố cổ Hội An
Du khách quốc tế thăm phố cổ Hội An

Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan về mở cửa lại hoạt động du lịch (đường không, đường bộ, đường biển) bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3 tới, mở ra cơ hội vàng cho phục hồi du lịch Việt Nam.

Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn đang hoàn thiện phương án mở cửa du lịch; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách cũng như các doanh nghiệp đón khách.

7 nhóm giải pháp mở cửa bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định việc mở cửa trở lại du lịch Việt Nam cần được thực hiện theo hướng an toàn, khoa học, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tập trung vào 7 nhóm giải pháp chính.

Trước hết là phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng toàn quốc đang được triển khai mạnh, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 ở mức cao, nhưng vẫn phải lưu ý đến nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới, vấn đề chênh lệch về độ bao phủ vaccine giữa một số địa phương, các độ tuổi khác nhau… Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng phối hợp các bộ, ngành liên quan có phương án, kế hoạch áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Việc bảo đảm tuân thủ thống nhất các quy định phòng, chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch coi là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch.

Tiếp theo là giải pháp về kết nối giữa hàng không và du lịch, Việt Nam đã dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ ngày 15/2. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để các hãng hàng không phối hợp với doanh nghiệp du lịch tăng cường khai thác đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam.

Về tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết Bộ đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chính sách thị thực cho khách nhập cảnh Việt Nam như đã thực hiện từ trước năm 2020. Đây sẽ là điều kiện rất thuận lợi để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, tạo sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.

Tiếp đến là việc công nhận “hộ chiếu vaccine”, đến nay chưa có nhiều quốc gia công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam, vì vậy hoạt động đưa người Việt Nam du lịch nước ngoài (du lịch outbound) sẽ gặp khó khăn; gây ra sự mất cân bằng trong hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế. Do đó, cần thúc đẩy đàm phán nhiều hơn để ngành du lịch Việt Nam có thể tiếp cận và khai thác nguồn khách dồi dào, chất lượng hơn.

Một vấn đề quan trọng mà Tổng cục trưởng nhấn mạnh Nguyễn Trùng Khánh khẳng định là cốt lõi để bảo đảm sự phục hồi của du lịch Việt Nam là nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm cơ sở vật chất, củng cố nhân lực du lịch. Bởi lẽ, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nguồn nhân lực du lịch bị thiệt hại nặng nề, nhiều lao động rời khỏi ngành, nhiều nơi cơ sở vật chất kỹ thuật xuống cấp...

Do vậy, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục có những đề xuất kéo dài chính sách hỗ trợ liên quan đến tài chính, tín dụng… cho doanh nghiệp, người lao động trong ngành; đề xuất các chương trình đào tạo, đào tạo lại cho lao động du lịch. Các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để chuẩn bị sẵn sàng cho việc mở cửa du lịch.

Giải pháp thứ 6 là về cạnh tranh điểm đến, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, vừa qua, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam 2021 cho 15 tỉnh, thành phố. Đây là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp, khu điểm du lịch tham khảo, nhìn nhận và có những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch địa phương trong thời gian tới.

Giải pháp thứ 7 mà ông Nguyễn Trùng Khánh đề cập là xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách. Trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Tổng cục Du lịch vẫn duy trì việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, do vậy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế tới du lịch Việt Nam vẫn luôn được duy trì. Du lịch Việt Nam vẫn được bạn bè quốc tế yêu mến dành tặng những danh hiệu, giải thưởng nổi bật.

Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ chiến dịch truyền thông "Live fully in Vietnam", đặc biệt là trên các nền tảng số; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn ở các thị trường trọng điểm; làm việc với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp quảng bá thông tin du lịch Việt Nam…

Kỳ vọng các quy định linh hoạt hơn cho du khách

Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Quý Phương chia sẻ, theo dự thảo, các quy định mở cửa du lịch từ ngày 15/3 tới được kỳ vọng sẽ linh hoạt hơn. Đối với khách du lịch quốc tế đến bằng đường hàng không có thể lựa chọn xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR có giá trị 72 giờ hoặc xét nghiệm nhanh có giá trị 24 giờ trước khi xuất cảnh. Khi hạ cánh xuống sân bay, khách không phải xét nghiệm tại sân bay mà về thẳng cơ sở lưu trú đã đăng ký và xét nghiệm tại đây. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, khách sẽ được tham gia các hoạt động du lịch và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch như điều kiện của khách nội địa.

Đối với khách đến bằng đường bộ và đường biển, sẽ xét nghiệm nhanh ngay tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh vào Việt Nam. Khách du lịch được yêu cầu cài đặt ứng dụng phòng, chống dịch bệnh theo quy định và duy trì kết nối liên tục trong thời gian du lịch ở Việt Nam. Ngoài ra, khách cần có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu là 10.000 USD.

Góp ý về yêu cầu bảo đảm y tế cho khách nhập cảnh từ 12 tuổi trở lên, Bộ Y tế có ý kiến yêu cầu khách du lịch ‘‘có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh”. Về ý kiến này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị giữ nguyên nội dung này trong dự thảo phương án.

Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất: Khách du lịch “có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh”.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ: Tại hội thảo thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế do Bộ phối hợp với Ban Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức ngày 24/1 vừa qua, các ý kiến đều nhất trí nội dung này.

Quy định trên là phù hợp với thực tế vì khách du lịch ở thị trường xa có thời gian bay dài, hoặc khách có thể gặp những vấn đề bất khả kháng, khách quan khiến chậm trễ nhập cảnh như chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc phải nối chuyến mất nhiều thời gian, do vậy không nên quy định khách du lịch có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh…

Bộ Y tế đưa ra yêu cầu khách du lịch “ở lại nơi lưu trú trong vòng 24 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh” và “trong vòng 72 giờ đầu hành khách không nên rời khỏi nơi lưu trú”. Với ý kiến này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị giữ nguyên nội dung trên trong phương án.

Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất: trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh bằng đường hàng không), khách về thẳng nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2. Nếu kết quả âm tính được tham gia các hoạt động du lịch, nếu dương tính thì thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý y tế theo quy định. Khách nhập cảnh bằng đường bộ, đường biển, đường sắt nếu có có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp xét nghiệm nhanh) tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh cũng được tham gia du lịch, không phải thực hiện biện pháp cách ly.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quy định này hướng đến sự bình đẳng cho khách du lịch, không phân biệt đối xử giữa khách du lịch quốc tế và nội địa, đồng thời tạo thuận lợi, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; trong đó có khách du lịch đường biển vì dòng khách này thường chỉ đi tham quan theo chương trình du lịch trong ngày, mặt khác các điều kiện an toàn phòng, chống dịch được bảo đảm.

Trước khi nhập cảnh Việt Nam, khách du lịch phải đáp ứng điều kiện: tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh; có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.