Pha Luông cách trung tâm xã Chiềng Sơn khoảng 20km, có địa hình núi cao, rừng rậm, nhiều đường mòn, lối tắt đi qua biên giới. Bản có 88 hộ với 550 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông.
Theo Trưởng bản Sùng A Tủa, trước đây đời sống của người dân Pha Luông rất khó khăn, cuộc sống chủ yếu dựa vào trồng trọt, làm nương rẫy, nhưng do địa hình đồi núi chia cắt, đất canh tác ít, thu nhập chẳng là bao. Bởi vậy, trong một thời gian dài, ở Pha Luông, tình trạng vượt biên trái phép, phá rừng, buôn bán ma túy diễn biến rất phức tạp.
Với vai trò Trưởng bản, lại là Người có uy tín, ông Sùng A Tủa đã kết hợp với chính quyền tăng cường vận động tuyên truyền bà con không vượt biên, không phá rừng và phá bỏ cây thuốc phiện.
“Tôi còn trực tiếp gõ cửa từng gia đình có con cháu thường xuyên vượt biên để trò chuyện, chia sẻ và phân tích tại sao không nên vượt biên trái phép mà cần phải tu chí làm ăn để thay đổi cuộc sống”, ông Tủa tâm sự.
Ông Tủa nói: “Nếu như trước đây, vào thời điểm năm 2013-2015 do điều kiện cuộc sống khó khăn, người dân thiếu hiểu biết pháp luật, tỷ lệ vượt biên của người dân tại Pha Luông được cho là điểm nóng, thì từ năm 2016 đến nay tình trạng vượt biên lao động trái phép của người dân đã hoàn toàn không còn, mà thay vào đó bà con đã chú tâm làm ăn phát triển kinh tế-xã hội”.
Cùng với việc tuyên truyền nhằm ngăn chặn, thay đổi tư tưởng vượt biên trái phép của bà con trong bản, ông Sùng A Tủa còn thường xuyên tổ chức các buổi họp dân bản tại nhà mình để tuyên truyền vận động bà con chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời lồng ghép tuyên truyền nhằm xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Ông Tủa cho biết: “Trước đây, người Mông ở bản Pha Luông còn có tục bắt vợ nhưng bây giờ không còn nữa, việc trai gái kết hôn phải trên sự tự nguyện của đôi bên và đủ 18 tuổi trở lên mới được phép đăng ký kết hôn; việc học tập của con cái cũng theo đó được quan tâm và đầu tư hơn, con gái cũng như con trai đều đã được đi học…”.
Ngoài làm tốt vai trò “cầu nối” giữa chính quyền với Nhân dân, đưa chính sách, pháp luật về với bản, ông Sùng A Tủa còn đi đầu, gương mẫu trong phát triển kinh tế-xã hội. Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2015, khi Pha Luông được Nhà nước hỗ trợ xi măng để xây dựng hạ tầng, ông Tủa đã vận động bà con đóng góp được gần 600 triệu đồng để làm đường nội bản với tổng chiều dài 4km và nhà văn hóa bản.
Để “kéo” các hộ trong bản tích cực phát triển kinh tế gia đình, ông xác định kinh tế gia đình mình khá giả thì người khác mới nghe và làm theo; bản thân mình gương mẫu thì nói người khác mới nghe, mình làm được thì hướng dẫn người khác mới làm theo. Từ quan điểm đó, cùng với việc làm ruộng, trồng ngô, gia đình ông Tủa còn chăn nuôi thêm trâu, bò, trồng thêm các loại cây ăn quả như táo mèo, chanh leo,.. Bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 250 triệu đồng.
Ông bảo: “Thấy được hiệu quả kinh tế từ việc trồng cây ăn quả, từ năm 2015-2017 tôi đã vận động và hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng cây táo mèo, cây chanh leo. Đến nay, bà con đã trồng được 5ha táo mèo và hơn chục hộ tham gia trồng cây chanh leo, góp phần tăng thu nhập”.
Hơn 20 năm làm Trưởng bản và 12 năm là Người có uy tín, ông Tủa luôn nêu cao vai trò và tinh thần trách nhiệm trong công tác. Gương mẫu trong lối sống nên tiếng nói của Trưởng bản-Người có uy tín Sùng A Tủa luôn được bà con tín nhiệm, học tập và noi theo. Nhờ đó, từ nhiều năm nay, Pha Luông đã có nhiều đổi mới tích cực, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Kết thúc năm 2018, dân bản Pha Luông đã có những cách làm ăn mới, cách làm hay trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của người dân đạt khoảng 14 triệu đồng/người/năm, tăng gần 2 triệu đồng so với năm 2017.
HOÀI DƯƠNG