Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Miền Trung khẩn trương ứng phó với mưa lũ

PV - 20:42, 08/10/2020

Trước diễn biến mưa lớn những ngày qua, tại các tỉnh, thành khu vực miền Trung nước lũ đang về, gây ngập lụt tại nhiều nơi. Để ứng phó với mưa lũ, hiện các địa phương trong khu vực đang khẩn trương triển khai công tác phòng, chống nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân.

Nước lũ từ thượng nguồn đang về trên sông Hàn (TP Đà Nẵng) lúc 9h ngày 8/10 (ảnh: Đình Tăng)
Nước lũ từ thượng nguồn đang về trên sông Hàn (TP Đà Nẵng) lúc 9h ngày 8/10 (ảnh: Đình Tăng)

Tại TP Đà Nẵng: Ngay trong sáng 8/10, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành Công điện yêu cầu thực hiện một số biện pháp ứng phó phòng, chống mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất. 

Công điện nêu rõ: Để chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện khẩn trương triển khai phương án phòng, chống lũ, lũ quét, sạt lở đất; khẩn trương triển khai ngay phương án sơ tán nhân dân (chú ý các khu dân cư ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét), lưu ý đảm bảo thực hiện nghiêm các nội dung biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.

Tổ chức neo, đậu lồng bè, nuôi trồng thủy sản, nghiêm cấm, không cho người ở lại trên lồng bè. Có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các khu nuôi trồng thủy sản. Cấm nhân dân và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại trong những vùng trũng thấp và nước lũ; kiên quyết không cho người, phương tiện qua ngầm, cầu tràn; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là khi có nước chảy xiết; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố triển khai phương án ứng phó trên địa bàn; bố trí đủ lực lượng, phương tiện tại các khu vực, địa bàn xung yếu, trọng điểm, chủ động ứng phó với mưa lũ; phối hợp, hỗ trợ các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai công tác sơ tán nhân dân, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai…

Sở Giáo dục và Đào tạo cho học sinh các trường trên địa bàn huyện Hòa Vang nghỉ học từ sáng ngày 08/10, các trường trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ nghỉ học từ trưa ngày 08/10. Tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ để chủ động cho học sinh nghỉ học trong những ngày tiếp theo. Rà soát, kiểm tra và có biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống ngã đổ cây xanh trong trường học.

Các Sở: Xây dựng, Giao thông Vận Tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở liên quan đến ngành xây dựng và các quận, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án các công trình đang thi công triển khai phương án phòng chống mưa lũ cho các công trình, triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy cho các khu dân cư đang thi công dỡ dang….

Các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng lực lượng tham gia công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Vùng III Hải Quân sẵn sàng lực lượng giúp thành phố ứng phó, khắc phục hậu quả lũ.

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế: Trong sáng cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) đã phát lệnh thực hiện vận hành điều tiết hồ Tả Trạch và hồ Hương Điền để ứng phó với mưa lũ kéo dài.

Mưa lớn làm sạt lở tuyến giao thông tại huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên-Huế. (ảnh: Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế cung cấp)
Mưa lớn làm sạt lở tuyến giao thông tại huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên-Huế. (ảnh: Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế cung cấp)

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, mực nước sông Hương tại trạm Kim Long lúc 7h00’ ngày 8/10 là 1,66m dưới BĐ II 0,34m. Dự kiến sau 13h ngày 8/10 mực nước lên trên mức báo động II (2m) khả năng tràn Đập Đá (TP Huế). Còn mực nước sông Bồ tại trạm Phú Ốc lúc sau 9h ngày 08/10, xấp xỉ mức báo động II (3m).

Cũng trong sáng cùng ngày, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế cho toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học ngày 8/10.

Để chủ động ứng phó với mưa lớn diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân, tài sản của nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa có công điện yêu cầu các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai sơ tán dân khu vực nguy hiểm; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó; hướng dẫn cho các phương tiện, tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn.

Lãnh đạo các địa phương, đơn vị trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc nghiêm túc thực hiện không lơ là chủ quan, tổ chức trực ban 24/24; theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra và thường xuyên báo cáo tình hình về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

Tại tỉnh Quảng Trị: Do mưa lớn kéo dài trong mấy ngày qua gây ngập lụt tại nhiều địa phương, sạt lở nhiều tuyến giao thông ở các huyện miền núi. Hiện trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tập trung từ đêm 08/10 đến ngày 09/10. Trên các sông trong tỉnh xuất hiện một đợt lũ, mực nước đỉnh lũ có khả năng lên mức trên báo động 2. Từ ngày 11 đến ngày 17/10, Quảng Trị tiếp tục xuất hiện mưa mưa vừa, mưa to, tập trung chính từ ngày 13-17/10. Tổng lượng mưa phổ biến từ 100-250mm, có nơi trên 300mm.

 Mưa lớn trong 24h qua gây ngập lụt nhiều khu dân cư tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. (ảnh: Đình Tăng)
Mưa lớn trong 24h qua gây ngập lụt nhiều khu dân cư tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. (ảnh: Đình Tăng)

Để chủ động ứng phó với mưa lớn diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã có công điện yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT và các địa phương tập trung rà soát, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo khẩn trương di chuyển, gia cố các lồng, bè nuôi thủy sản trên sông, ao, hồ, đầm phá ven biển, ven sông, suối đảm bảo an toàn; tuyệt đối không để người dân ở trên các lồng, bè nuôi thuỷ sản khi mưa lũ xảy ra; triển khai sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, gò đồi, ven sông suối, ven biển; khu vực thấp trũng, ngập úng đô thị.

Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh... chuẩn bị lực lượng, phương tiện thường trực để sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ sơ tán dân khi có lệnh điều động. Công an tỉnh triển khai lực lượng hướng dẫn giao thông, chốt chặn, nghiêm cấm người qua lại ở các khu vực nguy hiểm như bến đò, khu vực sạt lở đất, lũ quét, các ngầm tràn.

Chủ công trình các hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ du, thông tin kịp thời và cảnh báo cho chính quyền, nhân dân vùng hạ du khi vận hành điều tiết lũ.

Sở NN&PTNT chỉ đạo các chủ đập, chủ đầu tư, nhà thầu thi công triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, hồ đang thi công và hồ chứa nhỏ; Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị và các địa phương chủ động vận hành các công trình tiêu thoát nước, xả lũ theo đúng quy trình nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du…/.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.