Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Miễn học phí đối với trẻ mầm non dưới 5 tuổi và học sinh THCS: Vừa mừng, vừa lo!

PV - 09:06, 14/09/2018

Tại Nghị quyết số 104/NQ-CP phiên họp thường kỳ tháng 7/2018, Chính phủ đã thống nhất chủ trương về chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập. Đây là tin vui cho rất nhiều gia đình, nhưng vẫn còn đó không ít nỗi lo.

Bài toán cho xã hội hóa giáo dục

Từ năm học 2015-2016, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015, toàn bộ học sinh cấp tiểu học không phải đóng học phí. Để hướng đến mục tiêu phổ cập tiểu học và THCS, việc miễn học phí đối với cấp THCS và trẻ mầm non dưới 5 tuổi là bước tiến dài trong chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục. Việc thực hiện chính sách sẽ không có nhiều tác động đến ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục.

Quá tải ở các trường mầm non khu vực miền núi. (Trong ảnh: Một lớp học ở Trường Mầm non Thụy Liễu-Cẩm Khê-Phú Thọ) Quá tải ở các trường mầm non khu vực miền núi. (Trong ảnh: Một lớp học ở Trường Mầm non Thụy Liễu-Cẩm Khê-Phú Thọ)

Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), thực hiện miễn học phí theo Nghị quyết số 104/NQ-CP, mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ bù thêm 4.730 tỷ đồng. Hiện, tổng ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục đã được Quốc hội phê duyệt, mỗi năm tăng từ 6%-8%. Như năm 2018, ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục là 229.074 tỷ đồng, tăng thêm 13.907 tỷ đồng so với năm 2017 (năm 2017 được duyệt 215.167 tỷ đồng). Đó là chưa kể số dự phòng ngân sách cho giáo dục hàng năm chưa sử dụng.

Không lo lắng về nguồn lực thực hiện nhưng việc miễn học phí chỉ được áp dụng đối với các trường công lập, còn với các trường ngoài công lập chỉ được hỗ trợ đóng học phí một phần cũng gây một áp lực nhất định đến chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhất là ở các tỉnh miền núi. Lâu nay, việc phát triển các trường ngoài công lập, nhất là ở cấp mầm non, ở các tỉnh miền núi được đánh giá là rất khó khăn.

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, toàn vùng DTTS và miền núi hiện có 5.766 trường mầm non, chiếm tỷ lệ 38,74% so với tổng số trường mầm non toàn quốc. Trong đó, trường mầm non ngoài công lập chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Điều này khiến các trường mầm non công lập luôn trong tình trạng quá tải; trong khi cơ sở vật chất trường lớp ở các trường công lập chưa đáp ứng yêu cầu.

Như Sơn La, tính đến năm học 2017-2018, toàn tỉnh Sơn La có 258 trường mầm non công lập, với 3.590 phòng học cho trẻ mầm non. Nhưng số phòng học kiên cố chỉ chiếm tỷ lệ 55%; phòng học bán kiên cố chiếm tỷ lệ 26,2%, phòng học tạm chiếm tỷ lệ 18,8%... Trong khi đó, năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 93.468 trẻ mầm non được huy động đến trường; vị chi bình quân, một cơ sở giáo dục mầm non của tỉnh phải dạy học cho 362 học sinh/trường.

Trường công quá tải nên rất nhiều trẻ trong độ tuổi mầm non phải “lỡ hẹn” với cấp học này. Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, năm học 2017-2018, toàn tỉnh còn đến 81,7% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 3,4% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo và 0,3% trẻ 5 tuổi chưa được đến trường.

Trường mầm non công lập quá tải nên việc phát triển các cơ sở ngoài công lập là rất cần thiết. Tuy nhiên, toàn tỉnh Sơn La hiện chỉ có 11 trường mầm non tư thục; tỷ lệ nhóm trẻ tư thục mới đạt được 5,1%. Trong điều kiện đời sống của phần lớn gia đình trên địa bàn tỉnh còn khó khăn, việc chỉ miễn học phí cho trẻ mầm non các trường công lập tiếp tục là trở ngại để phát triển các trường ngoài công lập.

Lo lạm thu

Cùng với việc gây khó khăn cho xã hội hóa giáo dục thì mối bận tâm về tình trạng lạm thu khi thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non dưới 5 tuổi và học sinh THCS các trường công lập là hoàn toàn có cơ sở. Khi chưa có chính sách này, lạm thu cũng đã là một tình trạng gây nhức nhối; vậy khi không còn thu học phí, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, lạm thu trường học liệu có trở thành vấn nạn?

Ở vùng DTTS và miền núi, trước khi có chính sách miễn học phí (mầm non, tiểu học, THCS) thì Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích học sinh học tập. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, từ năm 2016-2018, ngân sách Trung ương bố trí 5.730 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho con em đồng bào DTTS.

Nhiều cơ sở giáo dục ở vùng DTTS và miền núi đã được đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ về mặt tài chính để thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của vùng. Ấy vậy mà vẫn có trường hợp trẻ em mầm non thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS sinh sống ở địa bàn ĐBKK phải đóng những khoản ngoài quy định.

Có thể kể đến trường hợp Trường Mầm non Bình Chuẩn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An). Là xã ĐBKK, dân cư chủ yếu là đồng bào DTTS, Bình Chuẩn được thụ hưởng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có chính sách phát triển giáo dục. Trường Mầm non Bình Chuẩn cũng được đầu tư cơ sở vật chất trường lớp từ nguồn ngân sách nhà nước.

Năm 2014, để đạt chuẩn quốc gia, trường đã tiến hành xây hàng rào, nhà bếp, nhà vệ sinh, kè chống lở, mái tôn… với tổng kinh phí 750 triệu đồng; UBND huyện Con Cuông hỗ trợ 300 triệu đồng; số tiền còn lại nhà trường bắt phụ huynh “gánh”, bắt đầu từ năm học 2014-2015. Cụ thể, năm học 2014-2015, mỗi học sinh phải đóng 650.000 đồng; năm học 2016-2017 đóng 550.000 đồng, năm học 2017-2018 đóng 500.000 đồng. Ngoài ra, trường này còn đề ra những khoản thu rất vô lý, như mỗi học sinh phải đóng 15 nghìn đồng tiền phòng cháy chữa cháy (!).

Có thể thấy, cùng với cấp tiểu học thì việc miễn học phí đối với trẻ mầm non và học sinh THCS là một hướng đi phù hợp để đạt mục tiêu phổ cập tiểu học và THCS trong thời gian tới. Việc lường trước những bất cập, hạn chế, nhất là tình trạng lạm thu là rất cần thiết. Trên thực tế, cấp tiểu học đã được miễn học phí, nhưng nhiều trường lại phát sinh thêm các khoản phụ thu khác còn tốn kém hơn trong những năm học vừa qua là một dẫn chứng rõ nét.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.