Mở đường đến tương lai
Xã Ngọc Chiến có hơn 2.300 hộ gia đình các dân tộc Thái, Mông, Kinh, sinh sống tại 15 thôn, bản. Để đến với Ngọc Chiến, có thể đi từ hướng Mù Cang Chải (Yên Bái, đoạn chân đèo Khau Phạ) hoặc theo Tỉnh lộ 106, từ Tp. Sơn La vào Mường La rồi lên Ngọc Chiến.
Chỉ hơn chục năm về trước, nhắc đến Ngọc Chiến, nhiều người nghĩ ngay đến vùng đất hoang sơ, nghèo khó, đi lại khó khăn. Tuy nhiên giờ đây, nơi này đã “thay da đổi thịt” và cũng chẳng biết từ khi nào được gắn với cái tên “miền cổ tích”.
Đặt chân tới Ngọc Chiến, chúng tôi bị cuốn hút bởi “bản giao hưởng” của gió, của suối và những chiếc guồng nước ở các bản Khua Vai, Mường Chiến, bản Lướt và bản Phày. Bước qua những tảng đá xếp dài và cầu tre bắc ngang suối Chiến, ngồi bên chiếc chòi nhỏ, ngắm nhìn guồng nước quay đều, tiếng nước suối chảy róc rách, hương lúa thơm len lỏi theo cơn gió… mà cảm giác bình yên lạ thường.
Ông Bùi Tiến Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến cho biết, bản thân đã nhận công tác tại xã từ năm 2019; ngay khi đó, ông đã nhận ra vùng đất này có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, du lịch. Tuy nhiên, muốn phát triển, phải mở đường trước.
Khi chủ trương mở đường được đưa ra, cũng có không ít ý kiến chưa đồng thuận, ông Sỹ dành thời gian đến từng nhà dân trong bản để thuyết phục, vận động. Xã cũng thành lập 15 tổ công tác phụ trách 15 bản, mỗi tổ từ 3 - 5 người, trực tiếp giải quyết vướng mắc của người dân. Chỉ thời gian ngắn, hầu hết đều đồng thuận, hiến đất, góp sức để làm đường. Đến nay, toàn xã đã cứng hoá được 100% các tuyến đường xã, đường bản, liên bản, đảm bảo giao thông thông suốt, 100% đường ngõ, xóm sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm.
Ông Lường Văn Hương, bản Phày, chia sẻ: Sau khi được cán bộ xã trực tiếp xuống tuyên truyền vận động về chủ trương làm đường, bà con Nhân dân đều đồng thuận và nhất trí cao. Nhờ vậy, không chỉ người dân trong bản Phày, mà người dân trong cả xã Ngọc Chiến đều đồng lòng hiến đất, góp ngày công làm đường.
“Đường giờ được mở rộng từ 6 - 8m. Xã cũng có nhà văn hóa, có trường học. Giờ trong bản Phày của tôi cũng không còn nhà nào đói nghèo nữa, bà con yên tâm làm ăn, nâng cao đời sống", ông Hương phấn khởi nói.
Tiềm năng đang được đánh thức
Đưa chúng tôi đến thăm bản Đông Xuông, Bí thư Đảng ủy xã Bùi Tiến Sỹ chia sẻ, ở xã Ngọc Chiến có văn hóa kiến trúc độc đáo với những ngôi nhà sàn hàng trăm năm tuổi, được đồng bào Thái làm hoàn toàn bằng gỗ pơ mu, từ cột cho đến mái nhà. Mỗi bản trong xã có khoảng 70 - 100 ngôi nhà được xây dựng theo lối ô bàn cờ, rất khác biệt so với các bản người Thái ở nơi khác.
Đặc biệt, mái nhà bằng gỗ pơ mu được làm rất công phu, không dùng cưa để xẻ mà bổ thành từng tấm theo thớ gỗ để hạn chế cong vênh. Tuy mái pơ mu gồ ghề, không phẳng như mái nhà lợp bằng ngói, nhưng rất kín gió. Vào mùa Hè, căn nhà rất mát mẻ. "Đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh về bản sắc văn hóa để Ngọc Chiến khai thác trong phát triển du lịch", ông Sỹ nói.
Ở bản Đông Xuông, bà con Nhân dân đều tự làm đẹp thêm cảnh quan trong bản, chăm sóc, trang trí căn nhà của mình để làm du lịch. Trên những con đường khang trang, sạch sẽ dẫn vào các bản, người dân đều trồng rất nhiều bồn hoa, tường rào ốp đá cuội.
Theo ông Sỹ, đồng bào các dân tộc của Ngọc Chiến hôm nay đều tin tưởng vào chủ trương của xã về phát triển du lịch gắn với gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống; đồng thời, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc biệt và khác biệt.
Người dân Ngọc Chiến đã phát triển nhiều homestay để phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Các nhà nghỉ, homestay ở đây được thiết kế, xây dựng từ những vật liệu có sẵn, tất cả đều hòa quyện, gần gũi với thiên nhiên. Toàn xã hiện có 23 homestay và nhà nghỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng và tắm nước khoáng nóng tự nhiên của du khách.
Từ thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, đời sống đồng bào vì thế cũng ngày càng được nâng lên. Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân của bà con trong xã đã đạt 41,9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều chỉ còn 11,26%. Ngọc Chiến cũng đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2023.
Trên đường dẫn chúng tôi đến khu vực cây sa mu trên 1.000 năm tuổi, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến Lò Văn Thoa cho biết: "Tại đây, nhà thờ cây thần sa mu đã được dựng lên, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của dân bản. Dưới gốc cây sa mu, khoảnh đất xung quanh được chia thành 36 ô và đều xếp bằng đá suối. Du khách khi đã tới đây đều bày tỏ sự thích thú".
Ông Lò Văn Thoa thông tin, với tiềm năng hiện có, Ngọc Chiến sẽ xây dựng và phát triển 4 loại hình du lịch, gồm: du lịch cộng đồng; du lịch tắm khoáng nóng kết hợp với nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái, trải nghiệm; du lịch văn hóa và tâm linh. Đồng thời, triển khai kết nối du lịch theo các tuyến “Yên Bái - Mù Cang Chải - Ngọc Chiến”; “Sơn La - Mường La - Ngọc Chiến” và “Ngọc Chiến - Mù Cang Chải - Lai Châu - Sa Pa - Lào Cai - Hà Nội”.
Dù đi sâu tìm hiểu về cuộc sống của người dân Ngọc Chiến, vẫn còn đó những khó khăn chưa hết; đặc biệt, nông sản của bà con làm ra vẫn đang sử dụng theo cách tự cung tự cấp; nhiều em học sinh học hết THCS thì nghỉ học vì đường lên PTTH còn xa... song mảnh đất rẻo cao Ngọc Chiến hôm nay so với trước kia đã và đang “chuyển mình”. Cán bộ và đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn đang nỗ lực, bền bỉ bằng nhiều giải pháp để dựng xây Ngọc Chiến thành một miền quê đáng sống, hấp dẫn, khiến mỗi du khách ghé thăm muốn trở lại thêm nhiều lần nữa...
Để góp phần giúp đỡ bà con Nhân dân xã Ngọc Chiến, ngày 9/7 vừa qua, Báo Dân tộc và Phát triển cùng với Nhóm thiện nguyện của các DJ và khán giả nghe nhạc cũng đã phối hợp với UBND xã Ngọc Chiến tổ chức Lễ khởi công xây dựng cầu Nà Din cho người dân bản đặc biệt khó khăn Mường Chiến 2. Dự kiến sau 2 tháng hoàn thành cây cầu sẽ phục vụ trực tiếp đi lại cho hơn 1.000 người dân. Đồng thời, mở lối đưa bản Mường Chiến 2 trở thành một điểm du lịch cộng đồng.