Trải qua đại dịch Covid-19, cô Beatrice Balakrishnan, 32 tuổi, không còn muốn tham gia các tour du lịch đại trà cùng những người xa lạ. Cô cảnh giác với đám đông và muốn tự lên kế hoạch cho những chuyến đi sau này, có thể là chuyến đi một mình hoặc với những người thân mà không qua các công ty hay đại lý du lịch.
“Tôi vẫn cảm thấy chưa tin tưởng khi đi du lịch cùng người lạ”, Beatrice nói, đồng thời cho biết thêm, việc lên kế hoạch cho các kỳ nghỉ cá nhân cũng đảm bảo hành trình của cô thêm linh hoạt.
Beatrice cảm thấy an toàn hơn khi đi du lịch một mình hoặc với những người cô quen biết.
“Ngoài ra, tôi không thích đi theo một hành trình cố định. Tôi thích đi du lịch theo tốc độ của riêng mình. Có những ngày tôi muốn ngủ lại khách sạn thay vì đi tham quan vào sáng sớm”, Beatrice chia sẻ.
Trào lưu FIT
Beatrice là điển hình của đối tượng khách du lịch lựa chọn hình thức FIT. Thông thường, những du khách này sẽ tự thiết kế và sắp xếp kế hoạch du lịch của riêng mình.
Hình thức du lịch này hoàn toàn đối lập với khách du lịch theo tour, thường lựa chọn mua các gói du lịch hoặc đi theo lịch trình mà các công ty du lịch đặt ra.
Khi thế giới đang dần bước vào giai đoạn bình thường mới sau đại dịch, nhiều chuyên gia trong ngành nhận thấy nhóm du khách thuộc loại hình du lịch này đang có xu hướng gia tăng. Theo một nghiên cứu, khách du lịch trên toàn cầu có xu hướng chọn các chuyến du lịch độc lập hoặc theo nhóm nhỏ để quản lý rủi ro Covid-19.
Nghiên cứu mang tên Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với khách du lịch và nhận thức của giới quản lý cũng cho thấy, cách thức du khách lựa chọn loại hình du lịch đang trở nên có chọn lọc hơn.
Ngành du lịch Malaysia vừa thông qua Kế hoạch Tiếp thị Chiến lược 2022-2026, theo đó cũng đề cập sự gia tăng của đối tượng khách du lịch tự túc. Các cơ quan trong ngành lưu ý, du lịch trong nước sẽ chuyển từ du lịch theo tour sang các chuyến đi linh hoạt, mang tính trải nghiệm và cá nhân hơn.
Nền tảng du lịch trực tuyến Traveloka, dựa trên dữ liệu nội bộ của mình nhận thấy ngày càng nhiều người Malaysia tự đặt vé máy bay, khách sạn và điểm tham quan.
Theo Traveloka, từ tháng 1 đến tháng 4/2018, khi chưa có các lệnh đóng cửa biên giới hoặc hạn chế du lịch toàn cầu, có đến 75,45% lệnh đặt chỗ đưa đón sân bay là từ các khách du lịch tự túc.
Trong cùng kỳ năm nay, mặc dù hầu hết các đường biên giới chưa được mở cửa hoàn toàn cho đến ngày 1/4, lượng đặt chỗ đưa đón sân bay cho khách du lịch tự túc tăng lên mức 96,35%.
Xu hướng đặt vé máy bay và khách sạn cho các nhóm nhỏ tối đa bốn người cũng có xu hướng gia tăng; đặt phòng khách sạn cho nhóm lên đến bốn người tăng 2,13% trong khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Tư năm nay. Đây là mức tăng đáng kể so với mức 0,95% tổng lượng đặt phòng khách sạn của cùng kỳ năm 2018.
Tỷ lệ đặt vé máy bay cho nhóm tối đa 4 khách từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay ở mức 29,06%, so với 28,86% của cùng kỳ năm 2018.
"Dữ liệu ủng hộ giả thuyết rằng ngày càng có nhiều du khách đang lên kế hoạch chuyến du lịch của riêng mình", bà Angelica Chan, Giám đốc quốc gia của Traveloka Malaysia cho hay.
Bà Angelica Chan cho biết thêm: “Việc gia tăng tỷ lệ đặt vé đưa đón sân bay và đặt vé tham quan, đặc biệt là đối với nhóm khách lẻ và nhóm nhỏ lên đến 4 người, khiến chúng tôi tin rằng du khách đang tự lên kế hoạch cho hành trình của mình thay vì phụ thuộc vào các sắp xếp hành trình và hậu cần do các nhà cung cấp dịch vụ tour cung cấp”.
Xu hướng chọn lọc hơn
Theo bà Chan, các động lực thúc đẩy sự phát triển trào lưu FIT rất đa dạng. Yếu tố quan trọng nhất là các nền tảng kỹ thuật số.
“Khi trào lưu này phát triển, các nhà cung cấp dịch vụ nhận thấy sự hấp dẫn hơn trong việc chuyển sang kỹ thuật số và tạo ra nhiều sản phẩm kỹ thuật số hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lựa chọn FIT”.
Chẳng hạn, Traveloka đã ra mắt một siêu ứng dụng giúp đặt vé du lịch liền mạch. Công ty cũng tận dụng mạng lưới đối tác du lịch đông đảo và 40 triệu người dùng hoạt động hàng tháng để phân tích xu hướng theo thời gian thực.
Bà Chan cho hay, ưu điểm lớn nhất của loại hình du lịch này là tính linh hoạt, không bị ràng buộc bởi một lịch trình cố định. Kế hoạch du lịch khá mở và khách du lịch có thể tận hưởng nhiều hay ít thời gian tùy thích tại một địa điểm duy nhất.
“Lấy ví dụ một nhóm bốn thành viên trong gia đình. Nếu họ kết thúc ở một địa điểm mà họ cảm thấy mang lại trải nghiệm gắn kết tuyệt vời và muốn dành nhiều thời gian hơn cho nhau tại địa điểm đó, họ có thể tự do làm vậy. Tuy nhiên, nếu họ đi theo tour, họ sẽ phải tiến đến điểm đến tiếp theo trong hành trình cùng với những du khách còn lại tham gia chuyến tham quan”, bà Chan dẫn chứng.
Tuy nhiên, bà Chan cho rằng, các nhóm du lịch thường có lợi thế về số lượng. Với số lượng lớn du khách đi cùng đoàn, công ty lữ hành sẽ có thể dễ dàng thương lượng để có mức giá tốt hơn với các đối tác du lịch của họ như các khách sạn, các điểm tham quan, đại lý máy bay, nhà hàng dịch vụ ăn uống.
Tiến sĩ Jeetesh Kumar, giảng viên cao cấp tại Trường Khách sạn, Du lịch & Sự kiện thuộc Đại học Taylor’s (Malaysia) cho biết, sự gia tăng của trào lưu FIT liên quan đến những thay đổi trong xu hướng du lịch sau đại dịch.
“Các xu hướng du lịch đã trở nên chọn lọc hơn. Khách du lịch có thể thực hiện ít chuyến đi hơn nhưng dành thời gian lâu hơn ở các điểm đến họ chọn”, ông Jeetesh Kumar nói, đồng thời cho rằng cần quan tâm hơn đến nhóm du khách này.
Theo ông Jeetesh Kumar, Internet đã trở thành nền tảng quan trọng nhất để khách du lịch tự do tìm kiếm thông tin du lịch, vì vậy các công ty phải có đại lý tốt để các du khách theo trào lưu FIT có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin.
Ông Jeetesh cũng nhận ra sự hấp dẫn của các tour du lịch có hướng dẫn viên, đặc biệt khi hoạt động du lịch vẫn bị hạn chế bởi một số yêu cầu du lịch khác nhau giữa các quốc gia.
Bởi thế, ông Jeetesh nói rằng các chuyến tham quan có hướng dẫn viên có thể là lựa chọn tốt hơn và an toàn hơn.