Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Luồng gió mới ở Khánh Vĩnh

Minh Thu - 07:49, 23/12/2023

Huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa là nơi sinh sống của nhiều DTTS như: Raglai, Ê Đê, Tày, Nùng.... Thời gian qua, chính quyền địa phương đã và đang tập trung triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS, đặc biệt là những hộ nghèo và cận nghèo.

Cầu treo qua sông ở xã Khánh Nam. Ảnh NH
Cầu treo qua sông ở xã Khánh Nam. Ảnh NH

Đầu tư cơ sở hạ tầng

Huyện Khánh Vĩnh có tới 94% dân số là đồng bào các DTTS, trong đó chủ yếu là người Raglai với 48,5%. Đời sống của đồng bào các DTTS nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, xã Giang Ly nằm gần Quốc lộ 27C là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 2 trong cả nước. Đầu năm 2023, toàn xã Giang Ly có có 325 hộ nghèo và 57 hộ cận nghèo.

Nhờ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), huyện Khánh Vĩnh đã hoàn thành 14km đường giao thông dẫn vào khu sản xuất với gần 2.100 hộ dân, trong đó có tới 80% là đồng bào DTTS. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp không chỉ giúp người dân đi lại, giao thương thuận tiện hơn mà đời sống tinh thần cũng được nâng cao hơn.

Trước đây, khi chưa có hệ thống nước sạch, người dân ở Khánh Vĩnh phải sử dụng giếng khoan, giếng đào nhưng nguồn nước bị nhiễm phèn nặng, không thể dùng trong sinh hoạt. Như ở xã Khánh Hiệp, một số thôn không có nước vào mùa khô, muốn có nước sinh hoạt, người dân phải đi lên thượng nguồn cách 4 - 5km để xin nước. Ở một số xã khác như Khánh Hưng, nhiều gia đình phải đi lấy nước cách 9-10km. Thời gian gần đây, bà con tại các vùng đặc biệt khó khăn về nước sinh hoạt không còn lo cảnh thiếu nước nhờ có công trình cấp nước sinh hoạt Khánh Trung. Công trình này đã cấp nước cho hơn 200 hộ dân và hỗ trợ nước sinh hoạt được cho 54 hộ dân ở các địa bàn phân tán. 

Huyện Khánh Vĩnh tập trung triển khai mô hình nuôi bò tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Huyện Khánh Vĩnh tập trung triển khai mô hình nuôi bò tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đầu tư giúp đồng bào DTTS thoát nghèo

Tận dụng lợi thế về diện tích đồi núi, chính quyền huyện Khánh Vĩnh đã động viên bà con DTTS hướng tới chăn nuôi tập trung thay vì chăn nuôi theo lối cũ kém hiệu quả. Gia đình anh Cao Nhâm, xã Khánh Thành là một điển hình của việc thay đổi tập quán chăn nuôi bò để thoát nghèo. Được sự hỗ trợ và hướng dẫn của chính quyền, gia đình anh Nhâm và các gia đình khác trong xã đã tìm hiểu về hướng chăn nuôi mới, đồng thời tận dụng diện tích để trồng thêm cỏ làm nguồn thức ăn cho bò. Ngoài việc học về kỹ thuật chăm sóc bò và xây dựng chuồng trại, anh Nhâm còn tận dụng 1ha đất để trồng cỏ voi làm nguồn thức ăn cho bò trước và sau sinh. Nhờ vậy, gia đình anh đã có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh có 15 trang trại nuôi bò tập trung và nhiều hộ gia đình chăn nuôi bò với quy mô hơn 30 con/hộ. Ngoài ra, các hộ gia đình DTTS đã triển khai mô hình nuôi heo, gia cầm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như công nghệ nuôi trại lạnh, khép kín chuyển từ cách chăn nuôi truyền thống sang xây dựng chuồng trại, đệm lót sinh học… giúp nâng cao năng suất.

Gia đình ông Mạc Văn Hùng ở thôn A Xay, xã Khánh Nam từng loay hoay nhiều năm tìm cách để tăng thêm thu nhập kinh tế. Gia đình ông được chính quyền xã hỗ trợ vốn, tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn và chuyển giao kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng. Đến nay, gia đình ông đã có 1ha trồng bưởi da xanh và trang trại bò 3B. Nhờ đó, mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng. Ông Hùng còn động viên, hướng dẫn bà con trong thôn chuyển đổi mô hình trồng bưởi da xanh để tăng thêm thu nhập.

Ông Cao Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Nam cho biết, các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn xã đã chuyển đổi mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi để có thu nhập ổn định và từng bước thoát nghèo. Trong xã có nhiều gia đình đã có kinh tế ổn định nhờ việc chuyển đổi mô hình như hộ của anh Cao Thành, Phùng Văn Ý, Lục Thị Quyên ở thôn A Xay; Cao Văn Lếp, Cao Hà Răng, Hoàng Văn Sấn ở thôn Hòn Dù.

Nhiều mô kinh tế đã giúp đồng bào DTTS ở Khánh Vĩnh có cơ hội thoát nghèo. (Ảnh: Đặng Tuấn: TTXVN)
Nhiều mô kinh tế đã giúp đồng bào DTTS ở Khánh Vĩnh có cơ hội thoát nghèo. (Ảnh: Đặng Tuấn: TTXVN)

Trong năm 2023, huyện Khánh Vĩnh đã triển khai các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719, bao gồm: Dự án 1 giải quyết tình trạng thiểu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt (tổng vốn 5.155 triệu đồng); Dự án 3 về phát triển nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng thế mạnh miền núi để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị (tổng vốn 5.308 triệu đồng); Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất và đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi (tổng vốn 22.929 triệu đồng); Dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (tổng vốn là 4.986 triệu đồng); Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch (tổng vốn 3458 triệu đồng); Dự án 7 về chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (tổng vốn 1.487 triệu đồng); Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em (tổng vốn 3.738 triệu đồng); Dự án 9 về đầu tư sinh kế phát triển DTTS còn nhiều khó khăn (tổng vốn 4.851 triệu đồng) và Dự án 10 về truyền thông, tuyên truyền, vận đồng trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, kiểm tra đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình (tổng vốn 575 triệu đồng).

Chương trình MTQG 1719 đã và đang mang đến “luồng gió mới” để người dân sinh sống tại vùng đồng bào các DTTS và miền núi trên địa huyện có cơ hội vươn lên phát triển toàn diện về mọi mặt.



Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.