Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Môi trường sống

Lục Yên (Yên Bái): Nhiều biện pháp giữ rừng hiệu quả

PV - 11:11, 30/10/2018

Xã Tân Phượng được biết đến là điểm sáng trong công tác bảo vệ rừng của huyện Lục Yên. Trước đây, do địa hình hiểm trở nên công tác tuần tra, kiểm soát rừng ở Tân Phượng gặp nhiều khó khăn, thường xuyên xảy ra nạn chặt phá rừng. Đến nay, nhờ sự cố gắng của chính quyền cùng sự thay đổi trong nhận thức của người dân địa phương nên nạn chặt phá rừng dần dần được hạn chế, thay vào đó là ý thức bảo vệ rừng ngày càng được nâng cao.

Lục Yên Các tổ công tác và người dân địa phương (huyện Lục Yên) đi tuần tra bảo vệ rừng.

Để thay đổi ý thức của người dân, bên cạnh việc vận động nhân dân không đốt nương làm rẫy, không chặt phá, khai thác lâm sản trái phép, chính quyền địa phương đã thành lập và duy trì 8 nhóm giao khoán bảo vệ rừng. Trong đó, 3 nhóm gồm 64 thành viên làm nhiệm vụ bảo vệ rừng phòng hộ tự nhiên, 5 nhóm gồm 48 thành viên bảo vệ rừng sản xuất.

Nhiệm vụ của những nhóm này là tuần tra trên địa bàn phụ trách. Ngoài ra, khi phát hiện có dấu hiệu hay nguồn tin báo khai thác lâm sản trái phép, nhóm tổ chức phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn đến kiểm tra, xử lý.

Ông Bàn Trung Kiên, Trưởng nhóm Bảo vệ rừng thôn Bó Mi 1 chia sẻ, hiện nhóm có 38 thành viên, phụ trách bảo vệ trên 279ha rừng. Để nâng cao hiệu quả làm việc, nhóm thường xuyên tổ chức họp, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.

Cùng với đó, xã Tân Phượng thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền rộng rãi đến người dân địa phương. Công tác tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng như: in tờ rơi, áp phích, họp thôn bản; xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ rừng (BVR) ở các thôn, bản; ký cam kết BVR tới các hộ dân; nâng cao chất lượng khoán và BVR tới hộ, nhóm hộ. Nhờ đó, nâng cao ý thức của người dân trong BVR.

Ông Triệu Văn Lý, Chủ tịch UBND xã Tân Phượng cho biết, xã Tân Phượng hiện có diện tích rừng trên 2.500ha; trong đó, rừng tự nhiên phòng hộ trên 1.400ha, rừng sản xuất 1.121ha. Hiện nay, diện tích rừng giao khoán cơ bản được bảo vệ tốt, không bị tàn phá. Các chủ rừng, người dân có ý thức, trách nhiệm và tham gia tích cực hơn vào quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Cho biết thêm về công tác BVR tại địa phương, ông Lý chia sẻ: “Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2018, các Tổ BVR đã thực hiện 110 lượt kiểm tra với 513 ngày công. Qua kiểm tra, các lực lượng đã phát hiện 24 vụ phát rừng làm nương rẫy trái phép, 8 vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Ngoài ra, nhân dân cũng đã trồng mới 95,76ha rừng, đạt 239% kế hoạch. Năm 2017, toàn xã đã thực hiện chi trả tiền giao khoán BVR cho các hộ dân với số tiền gần 300 triệu đồng.

Được biết thời gian qua, huyện Lục Yên đã phối hợp với 16 xã tiến hành giao khoán cho các nhóm hộ bảo vệ trên 10 nghìn ha rừng tự nhiên phòng hộ và giao khoán hơn 12 nghìn ha rừng sản xuất cho các nhóm hộ ở 24 xã, thị trấn trong huyện quản lý, bảo vệ theo kế hoạch nên diện tích rừng phòng hộ và rừng tự nhiên sản xuất luôn được quản lý, bảo vệ tốt, không để xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép và phát lấn rừng tự nhiên để sản xuất nương rẫy...

Ông Đặng Thanh Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên cho biết, để giữ rừng hiệu quả, ngay từ đầu năm, Hạt đã xây dựng kế hoạch BVR, phòng chống cháy rừng trên địa bàn huyện. Đồng thời, các trạm kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương, các chủ rừng triển khai lực lượng tuần tra, truy quét tại các vùng trọng điểm và chốt chặn các tuyến đường ra vào rừng để ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm.

Thời gian tới, huyện Lục Yên tiếp tục phối hợp cùng chính quyền, đoàn thể địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ, phát triển rừng; nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng cho các chủ rừng, các tổ đội quần chúng bảo vệ ở các xã; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về BVR của các địa phương, cá nhân, tổ chức được giao rừng.

HOÀNG QUÝ

Tin cùng chuyên mục
Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Đầu giờ chiều nay (20/9), trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trương Thanh Duẩn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết: “Hiện toàn xã có 428 hộ dân bị ngập trong nước. Trong đó, các hộ dân ở khu vực Cồn Ba đã ngập sâu 2m”.