Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lục Nam (Bắc Giang): Sẵn sàng cho Ngày hội lớn

Hoàng Thanh - 17:23, 04/05/2021

Để góp phần cho Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra thàng công, công tác chuẩn bị đã được các cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện Lục Nam (Bắc Giang) triển khai chu đáo. Phóng viên báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác bầu cử huyện Lục Nam xung quanh vấn đề này.

Bí thư Huyện ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 huyện Lục Nam Nguyễn Thị Kim Dung
Bí thư Huyện ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 huyện Lục Nam Nguyễn Thị Kim Dung

Đến thời điểm này, việc chuẩn bị công tác bầu cử trên địa bàn đã được thực hiện như thế nào, thưa bà?

Xác định cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thời gian qua, công tác chuẩn bị đã được các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đặc biệt quan tâm. Đến nay, các bước chuẩn bị cho bầu cử tại các địa phương trong huyện được thực hiện theo đúng kế hoạch và hoàn thành đúng thời gian quy định.

Hiện toàn huyện đã thành lập được 259 khu vực bỏ phiếu, trong đó có 8 khu vực bỏ phiếu trong đơn vị quân đội. Các xã, thị trấn đã lập xong danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu và niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND cấp xã, nơi công cộng và khu vực bỏ phiếu theo đúng quy định. Theo danh sách cử tri được niêm yết, tổng số cử tri của toàn huyện là khoảng 165.392 người, đại diện cho 7 thành phần dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn.

Từ nay đến ngày bầu cử, Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuẩn bị tốt các phần việc còn lại đảm bảo thời gian, đúng luật định; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; hướng dẫn, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các ứng cử viên vận động tranh cử.

Cùng với đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác bầu cử, chú ý đến mốc thời gian bầu cử theo quy định; có phương án để bảo vệ tốt tình hình an ninh trật tự. Ủy ban bầu cử huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát để chỉ đạo, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi cho cuộc bầu cử diễn ra thành công tốt đẹp.

Vấn đề cử tri quan tâm nhất là việc lựa chọn, giới thiệu những ứng cử viên vào danh sách bầu cử. Xin bà cho biết, chất lượng của các ứng cử viên và cơ cấu thành phần mà hội nghị hiệp thương các cấp đã lựa chọn lần này?

Việc tổ chức hiệp thương, lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri ở nơi cư trú và nơi công tác được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Việc giới thiệu người ứng cử từng bước được triển khai cụ thể, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Người được giới thiệu ứng cử có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ và khả năng thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu Nhân dân.

Nhiệm kỳ 2021 – 2026, tổng số đại biểu HĐND huyện Lục Nam được bầu là 35 người, trong tổng số 56 ứng cử viên. MTTQ các cấp tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ ba, và tổ chức xong hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Trong các hội nghị lấy ý kiến cứ tri, tỷ lệ người dân tham gia rất cao.

Về cơ cấu thành phần, trong 56 ứng cử viên có 25 ứng cử viên nữ, chiếm tỷ lệ 44,64%; có 10/56 ứng cử viên là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 17,86%; tỷ lệ ứng cử viên ngoài Đảng có 13 người, chiếm tỷ lệ 23,21%; ứng cử viên dưới 40 tuổi có 19 người, chiếm tỷ lệ 33,93%. Đồng thời, có 13 đại biểu HĐND huyện nhiệm kỳ 2016 – 2021 tái cử nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Lục Nam rực rỡ cờ hoa chuẩn bị cho Ngày hội lớn
Lục Nam rực rỡ cờ hoa chuẩn bị cho Ngày hội lớn

Bà đánh giá như thế nào tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là trong năm 2020?

Có thể nói nhiệm kỳ 2016 - 2021, cả nước nói chung và huyện Lục Nam nói riêng, đều thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh có nhiều thách thức và khó khăn hơn so với dự báo. Đặc biệt là năm 2020, diễn biến bất thường của thời tiết, dịch tả lợn Châu Phi tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát; dịch bệnh Covid - 19 đã tác động tiêu cực đến hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân; là thách thức lớn đối với việc thực hiện các chương trình mục tiêu, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Trong hoàn cảnh đó, với tinh thần nỗ lực, chủ động, sáng tạo; cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND huyện; sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành của tỉnh; UBND huyện đã kịp thời đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương. Kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.

Kinh tế - xã hội của huyện có bước tăng trưởng khá; kết cấu hạ tầng được tăng cường đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn, qui hoạch đô thị, điểm dân cư tập trung; sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục phát huy được thế mạnh, mang lại giá trị kinh tế, thu nhập chủ yếu cho địa phương; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục có bước tăng trưởng; hệ thống chính trị ổn định; an ninh, quốc phòng được củng cố, trật tự xã hội được giữ vững; sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc; công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả cao; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố vững chắc.

Lục Nam là một trong những địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, vậy công tác tuyên truyền cho cuộc bầu cử sẽ được chú trọng như thế nào?

Trên địa bàn huyện Lục Nam có 07 DTTS cư trú lâu đời chiếm 15,17% dân số toàn huyện, sinh sống thành cộng đồng là: Tày, Nùng, Hoa, Sán Dìu, Dao, Cao Lan và Sán Chí còn lại là các dân tộc khác như: Thái, Mường, Giáy…. Đồng bào DTTS cư trú ở tất cả 27 xã, thị trấn trong đó cư trú thành cộng đồng gồm 13 xã.

Nhằm tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong huyện, đặc biệt là trong vùng đồng bào DTTS để đồng bào tiếp cận đầy đủ thông tin và nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của cuộc bầu cử, công tác thông tin tuyên truyền về công tác bầu cử trong đồng bào DTTS được các cơ quan, đơn vị tập trung quan tâm thực hiện.

 Công tác tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo sự hiểu biết và thống nhất cao trong tổ chức thực hiện công tác bầu cử, như: Tuyên truyền trên trang Thông tin điện tử huyện, trên hệ thống loa truyền thanh của huyện và của các xã, thôn, bản trong vùng đồng bào DTTS, tuyên truyền qua các hội nghị tập huấn, hội nghị hiệp thương, các buổi họp thôn,tuyên truyền trực quan…

Ngoài ra, theo kế hoạch, cao điểm trong tháng 4 cho đến ngày 23/5/2021, huyện triển khai tuyên truyền lưu động gồm xe có gắn loa cổ động trực quan, triển lãm ảnh, âm thanh về cuộc bầu cử ở các xã, vào tận các thôn đồng bào DTTS. Với các hoạt động tuyên truyền về cuộc bầu cử đang được triển khai, huyện Lục Nam tiếp tục gắn kết chặt chẽ các tầng lớp Nhân dân hướng về ngày bầu cử, để các dân tộc anh em trên địa bàn tích cực tham gia bầu cử, đảm bảo cuộc bầu cử đạt kết quả cao, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật.

Xin cảm ơn bà!

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.