Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Luân chuyển cán bộ góp phần nâng cao năng lực triển khai các Chương trình MTQG ở Si Ma Cai

Trọng Bảo - 07:15, 29/03/2024

Là huyện 30a của tỉnh Lào Cai, nhiều năm qua, huyện Si Ma Cai đã nhận được sự quan tâm đầu tư từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, huyện đang tập trung triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719). Để nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, huyện Si Ma Cai đặc biệt chú trọng công tác luân chuyển cán bộ, góp phần củng cố hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo chỉ đạo, quản lý, giám sát nguồn vốn đầu tư.

Bí thư Đảng ủy xã Sùng Seo Hồ (thứ 2 từ trái qua) cùng lãnh đạo xã Nàn Sín kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường từ huyện vào trung tâm xã
Bí thư Đảng ủy xã Sùng Seo Hồ (thứ 2 từ trái qua) cùng lãnh đạo xã Nàn Sín kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường từ huyện vào trung tâm xã

Hàng tuần, anh Sùng Seo Hồ và lãnh đạo xã Nàn Sín đều dành thời gian đi kiểm tra tiến độ thi công công trình tuyến đường từ huyện Si Ma Cai đến trung tâm xã. Tuyến đường được đầu tư nâng cấp và thảm nhựa từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần tạo điều kiện cho người dân đi lại, cũng như giao thương hàng hóa.

“Công trình này có ý nghĩa hết sức quan trọng với xã Nàn Sín chúng tôi, tuyến đường này được đầu tư gần 20 năm, nay đã xuống cấp rất nhiều. Khi tuyến đường xây dựng, chúng tôi cùng với chủ đầu tư, thường xuyên đi kiểm tra, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thi công bảo đảm tiến độ đã đề ra”, anh Hồ cho biết.

Tháng 11/2023, khi đang là Bí thư Đảng ủy thị trấn Si Ma Cai, anh Sùng Seo Hồ được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Nàn Sín - đây là một trong những xã xa và khó khăn nhất của huyện Si Ma Cai. Ngay sau khi về xã, Bí thư Đảng ủy Hồ đã cùng với tập thể lãnh đạo xã bắt tay vào xây dựng kế hoạch, cũng như triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trong đó, có việc quản lý, kiểm tra, giám sát các công trình đã và đang được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719.

“Hiện nay chúng tôi đang tập trung triển khai trồng và mở rộng diện tích trồng cây dược liệu như Bạch truật, cây Sa nhân, dự án trồng cây ăn quả ôn đới… Cùng với đó là khởi công hai tuyến đường giao thông được giao kế hoạch năm 2024, là đường vào thôn Nàn Sín và đường Phìn Chư 3  từ nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ Chương trình MTQG 1719”, Bí thư Đảng ủy Hồ thông tin thêm.

Huyện Si Ma Cai có 10 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn và 62 thôn bản, tổ dân phố, với tổng số cán bộ công chức xã 214 đồng chí; trong đó, số cán bộ lãnh đạo cấp xã, thị trấn thuộc diện Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý là 111 đồng chí.

 Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng Đảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác cán bộ, nhất là việc luân chuyển cán bộ. Với mục tiêu đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, qua đó giúp cho cán bộ có thêm kiến thức thực tế để trưởng thành và phát triển nhanh, toàn diện hơn, phục vụ cho sự phát triển của địa phương.

Xã Nàn Sín đang tập trung mở rộng diện tích trồng cây dược liệu từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719
Xã Nàn Sín đang tập trung mở rộng diện tích trồng cây dược liệu từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719


Ông Hà Đức Minh, Bí thư huyện ủy Si Ma Cai cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, huyện Si Ma Cai đã thực hiện luân chuyển cán bộ từ huyện về xã 07 đồng chí, trong đó làm Bí thư Đảng ủy 02 đồng chí; làm Phó Bí thư Đảng ủy 02 đồng chí; làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND 03 đồng chí. Ngoài việc thực hiện tốt công luân chuyển cán bộ từ huyện về xã, huyện còn thực hiện tốt chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương và việc không giữ chức vụ chủ chốt quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, đơn vị.

 Theo đó, đã bố trí xắp xếp thực hiện cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương tại 08/10 đơn vị xã, thị trấn, trong đó chức danh: Bí thư Đảng ủy 06 đồng chí, Chủ tịch UBND xã 08 đồng chí… Thực hiện luân chuyển từ các phòng ban, cơ quan trong huyện là 21 đồng chí; từ xã về huyện 04 đồng chí; từ xã này sang xã khác 06 đồng chí.

Thường xuyên bám nắm cơ sở, nắm bắt tâm tư người dân giúp anh Hồ hiểu hơn đời sống của bà con khi về địa bàn công tác mới
Thường xuyên bám nắm cơ sở, nắm bắt tâm tư người dân giúp anh Hồ hiểu hơn đời sống của bà con khi về địa bàn công tác mới

Hầu hết cán bộ qua luân chuyển đều có bước trưởng thành nhanh, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm thực tiễn ở các lĩnh vực của địa phương, có quan điểm nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sát thực tế hơn, đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trước mắt và lâu dài của cả hệ thống chính trị.

“Thực tế cho thấy việc luận chuyển cán bộ, đặc biệt là luân chuyển cán bộ cấp xã, đã góp phần tích cực trong việc củng cố hệ thống chính trị. Hiện nay, các Chương trình MTQG có rất nhiều phần việc, hợp phần do cấp xã làm chủ đầu tư; chính vì vậy, công tác luân chuyển cán bộ cũng đã nâng cao năng lực giám sát, triển khai các Chương trình MTQG tại cơ sở”, ông Minh khẳng định.

Nguồn lực đầu tư từ các Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG 1719 là rất quan trọng, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Việc chủ động trong công tác luân chuyển cán bộ trên địa bàn huyện vùng cao Si Ma Cai đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả triển khai nguồn lực đầu tư quan trọng này.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.