Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Long Hồ (Vĩnh Long): Khi nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống

Song Vy - 21:23, 14/07/2020

Huyện Long Hồ (Vĩnh Long) được xem là xứ sở của cây ăn trái miền Tây, với rất nhiều loại trái cây có giá trị kinh tế cao. Với lợi thế này, huyện đã có chủ trương phát triển tiềm năng du lịch gắn liền với đặc sản của các xã cù lao, nhằm tạo sinh kế cho người dân.

Du khách đến thăm quan các xã cù lao ngày càng đông.
Du khách đến thăm quan các xã cù lao ngày càng đông.

Huyện Long Hồ có 4 xã cù lao nằm trong vùng trọng điểm du lịch của tỉnh Vĩnh Long. Nhờ lợi thế do thiên nhiên ưu đãi vùng có hệ thống sông rạch phong phú, quang cảnh thôn quê thơ mộng. Đồng thời, nơi đây là vùng chuyên canh cây ăn trái với nhiều chủng loại, khí hậu lại mát mẻ, đậm nét văn hóa nông thôn Nam Bộ. Với những lợi thế, tiềm năng này, những năm qua huyện Long Hồ đã thu hút được nhiều du khách đến thăm quan, trải nghiệm; theo đó dần hình thành nên nhiều loại hình du lịch. Trong đó, loại hình du lịch cộng đồng đang mở ra nhiều hứa hẹn.

Chủ cơ sở Út Trinh Homestay, chị Phạm Thị Ngọc Trinh cho biết, khi bước vào kinh doanh lĩnh vực này, chị chỉ đơn giản nghĩ, làm sao thu được tiền của du khách từ việc bán trái cây hay ly nước dừa thôi. Đến khi địa phương tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ dân trong xã về cách làm du lịch và đưa đi thăm quan các mô hình du lịch sinh thái ở các tỉnh bạn, thì chị bắt đầu nghĩ ra được nhiều cách làm kinh tế để thoát nghèo.

Theo chị Trinh, khách đến với cơ sở chủ yếu để trải nghiệm cuộc sống thực ở đây, như: Tát ao bắt cá, trồng rau, nấu ăn, thưởng thức món ăn Nam Bộ và đờn ca tài tử… Nắm được sở thích này, chị và một số chị em đã liên kết với nhau, tạo thành làng du lịch, vận động bà con có vườn cây ăn trái, có ao nuôi cá kết hợp với nhau để phục vụ du khách.

“Với tính cách hiền lành, mến khách vốn có của nông dân miền Tây, chúng tôi cố gắng tạo thiện cảm cho du khách, để khi có điều kiện đi du lịch, du khách sẽ nhớ ngay đến chúng tôi”, chị Trinh chia sẻ.

Ông Võ Trung Sơn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Long Hồ cho biết, tỉnh Vĩnh Long hiện có 4 điểm du lịch tiêu biểu của khu vực được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận, thì huyện Long Hồ may mắn có được 2 điểm, là Khu du lịch Vinh Sang của xã cù lao An Bình và Khu Lưu niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng thuộc xã Long Phước. Năm 2017, loại hình du lịch Homestay được nhận giải thưởng ASEAN, Cụm Homestay xã Hòa Ninh Huyện Long Hồ là 1 trong 8 đơn vị được giải.

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy Vĩnh Long về phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, huyện đang có những bước đi phù hợp để đánh thức tiềm năng du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tăng thu nhập cho người dân xã cù lao, giúp người dân gắn bó với quê hương.

“Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XII Đảng bộ huyện Long Hồ, nhiệm kỳ 2020 - 2025, về nhiệm vụ và giải pháp cũng đã nêu rõ: “Phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, chú trọng sản phẩm du lịch và công tác xúc tiến quảng bá du lịch, quan tâm giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân có cơ hội vươn làm giàu chính đáng”, ông Hồ Văn Minh, Bí thư Huyện ủy Long Hồ cho biết.

Trong giai đoạn năm 2015 - 2020, Long Hồ đã đón trên 1.210.000 lượt du khách (trong đó khách quốc tế 425.000 lượt, chiếm 35%), tổng doanh thu ước đạt 242 tỷ đồng. Bình quân lượt khách đến thăm quan tăng trên 10%/năm, doanh thu trung bình tăng trên 15%.


Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.