Theo người M’nông, khi khách đến thăm gia đình mình đều là anh em thân thiết và mang đến những điều an lành, may mắn cho gia đình. Vì thế, đồng bào luôn nhiệt tình đón tiếp dù đó là người quen hay người lạ, người nội tộc hay ngoại tộc. Đồng bào M’nông rất kính trọng khách, cho nên ít khi chủ động bắt tay khách trước, ngoại trừ chủ nhà là người lớn tuổi hoặc có địa vị trong xã hội thì mới đưa tay bắt trước. Do vậy, khách cần chủ động đưa tay bắt trước để gây thiện cảm.
Đối với khách chung của làng, người M’nông luôn tiếp đón tại Nhà Văn hóa cộng đồng. Trong buổi đón tiếp ấy, già làng, trưởng bon, những Người có uy tín sẽ không đi làm nương rẫy mà sẽ tập trung về đó để trò chuyện, tâm sự cùng khách và mang những món ăn ngon như thịt khô, rượu cần, các loại bánh, trái… để chiêu đãi khách. Khách và chủ trò chuyện hết sức thoải mái, vui vẻ, hòa nhã.
Khách đến nhà dù có công việc quan trọng hay chỉ thăm hỏi thì việc trước hết là chủ nhà trịnh trọng mời khách vào nhà ngồi vào ghế hoặc ngồi vào chỗ lịch sự nhất. Mỗi khi gia đình có khách thì chủ nhà đích thân đón tiếp, vừa tự tay nhóm bếp, đun nước vừa chuyện trò.
Người M’nông rất chân thành, không khách sáo, khách đến với mục đích, lý do gì chưa cần tìm hiểu thì cũng đã bảo người nhà làm cơm đãi khách, nếu khách không vội về. Sau đó, trong khi nói chuyện hay ăn cơm, chủ nhà mới khéo léo hỏi thăm khách đến có chuyện gì, rồi sẽ đáp ứng theo yêu cầu, nếu chuyện đó nằm trong khả năng của mình. Việc tiếp đãi khách cũng thể hiện được tấm thịnh tình của chủ nhà, không bày vẽ, phô trương. Khi khách về bao giờ gia chủ cũng bày tỏ sự lưu luyến muốn khách ở lại lâu hơn.
Có thể nói, lòng hiếu khách là nét văn hóa đặc trưng, tốt đẹp của người dân Việt Nam nói chung và người M’nông nói riêng, thể hiện truyền thống gắn bó, đoàn kết cộng đồng. Sự giao tiếp và hiếu khách của dân tộc Việt Nam không những mang nặng nghĩa tình, đạo đức mà còn chứa đựng một triết lý nhân sinh sâu sắc.
BPV