Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lời nói vần - Loại hình văn hóa độc đáo của đồng bào Ê Đê

Thiên An-Hoàng Thùy - 12:01, 17/06/2021

Lời nói vần là nét văn hóa đặc trưng của người Ê Đê, được truyền miệng qua nhiều thế hệ và có mặt trong tất cả các thể loại văn học dân gian như truyện cổ tích, câu đố, lời khấn thần... Đến nay, lời nói vần vẫn được các nghệ nhân người Ê Đê trong các buôn làng gìn giữ, truyền lại cho thế hệ trẻ.

Lời nói vần trong nhiều loại hình văn hóa dân gian của người Ê đê
Lời nói vần trong nhiều loại hình văn hóa dân gian của người Ê đê

Chưa từng đi học, không biết chữ, nhưng chị H’Nai Niê, buôn Phơng, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk lại thuộc nhiều bài nói vần truyền thống của dân tộc. Chị H’nai kể, năm 2004, chị được học lời nói vần khi tham gia lớp học kể sử thi mở tại huyện Cư M’gar trong 3 tháng. Vì không biết chữ nên chị được phát một máy ghi âm đã thu sẵn các bài nói vần để học, mình cứ nghe từng đoạn rồi nhẩm hát theo. Đi đâu mình cũng nhẩm để thuộc, nhẩm cách hát và cứ thế ghi nhớ vào trong đầu. Khi con còn nhỏ thì đêm đến, mình hát cho con nghe, lớn lên mình sẽ truyền dạy lại cho chúng, nhất là những lời nói vần cổ.

Khe khẽ cất tiếng hát: “Khai rẫy mới sao cho được nhàn/ Ở nhà mới sao cho được rỗi/ Nuôi con gái, con trai sao cho nên người”; “Rừng này sao đẹp quá/Bên trái dây cuốn, dây leo/Bên phải cây nhiều cành, nhiều dóng/Trên ngọn khỉ vượn đùa vui/Thơm nức mùi quả hơ đá/Rộn ràng tiếng chim bang bôi/Hát mừng mùa hoa quả chín” - Chị H’nai bảo, đây là những bài nói vần cổ mà chị đã thuộc từ nhiều năm trước, khi mình tham gia lớp học kể sử thi được mở tại huyện Cư M’gar. 

Lời nói vần, tiếng Ê Đê gọi là “Klei duê”. “Klei” có nghĩa là lời nói, “Duê” có nghĩa là nối kết. Klei duê là lời nói có sự nối kết với nhau bằng các âm tiết cùng vần, hoặc bằng từ có các âm tiết tương đồng. Trong sinh hoạt văn hóa và đời sống của đồng bào Ê Đê trước đây, lời nói vần được sử dụng khá phổ biến và xuất hiện trong tất cả các thể loại văn học dân gian. Bởi lời nói vần được kết nối với nhau theo vần điệu nên người nghe tiếp thu nhanh và nhớ lâu.

Ông Y Chen Niê, Phó Trưởng Phòng Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: Nội dung lời nói vần thường được dùng để diễn đạt một cách cô đọng, ngắn gọn từ những kinh nghiệm đã đúc kết được trong cuộc sống của người Ê Đê. Có thể nói, lời nói vần được tạo ra, bởi tri thức dân gian, góp phần làm phong phú, đa dạng di sản văn hoá dân gian và bản thân ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc Ê Đê.

Kể sử thi hay các sinh hoạt văn hóa cộng đồng khác, phải có không gian diễn xướng, nhưng lời nói vần thì có thể sử dụng trong nhiều hoàn cảnh, từ giờ nghỉ giải lao trên nương rẫy, lúc đi lấy nước hay nhâm nhi bên ché rượu cần cùng anh em tâm tình hoặc người già răn dạy con cháu.

Người Ê đê thường dùng lời nói vần để nhắc nhở con cháu, khuyên răn bà con trong buôn những điều hay lẽ phải trong cuộc sống “Khai rẫy mới sao cho được nhàn/ Ở nhà mới sao cho được rỗi/ Nuôi con gái, con trai sao cho nên người”.

Nghệ nhân Y Wang Hwing, buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, người am hiểu về nói vần, chia sẻ, đồng bào Ê Đê thường mượn hình ảnh tên các con suối, dòng sông để nói về đời sống sinh hoạt. Ví như bài “Củ nghệ vàng em tắm lúc chiều hôm/Đêm nằm anh càng thương, càng nhớ/Còn cô gái thì ngỡ ngàng:/Ở bến nước của nhà ai/Mà phía trên trong màu ngọc/Mà phía dưới đục màu chì/Như bến nước của Hơ Kung, Y Du”/“Anh lấy nước ăn trầu/Vẽ lên triền núi đen/Bầy chuồn chuồn màu đỏ mây chiều/Đàn bươm bướm màu sương buổi sáng”. Hay mượn những chiếc gùi, chiếc vòng, bông hoa nghệ để nói về tình yêu đôi lứa, gia đình: “Anh với em/Vòng đã trao/Lời thề giữ trong lòng…”

Nghệ nhân Y Wuang cho biết: nội dung lời nói vần thường được dùng để diễn đạt một cách cô đọng và ngắn gọn những kinh nghiệm đã đúc kết được trong cuộc sống của người Ê đê. Đó có thể là kinh nghiệm về thiên nhiên, kinh nghiệm về xã hội và con người. Điều quan trọng là phải biết kết hợp, kết nối, lựa chọn những đoạn hay, câu nói ngắn gọn, dễ hiểu có vần điệu để thu hút người nghe. Nghệ nhân Y Wang ví dụ: “Rừng này sao đẹp quá/Bên trái dây cuốn, dây leo/Bên phải cây nhiều cành, nhiều dóng/Trên ngọn khỉ vượn đùa vui/Thơm nức mùi quả hơ đá/Rộn ràng tiếng chim bang bôi/Hát mừng mùa hoa quả chín”. Đặc biệt là truyền dạy lại cho thế hệ trẻ hiểu được giá trị của lời nói vần mà học hỏi, gìn giữ, phát huy.

Nghệ nhân Y Wang ở buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar
Nghệ nhân Y Wang ở buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar

Từ nhỏ, anh Y Dhin Niê ở buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar được nghe hát sử thi, kể khan, những bài dân ca, chuyện cổ tích theo lối nói vần, nên anh rất yêu thích văn hóa của đồng bào mình. Không chỉ tham gia lớp học kể sử thi, chăm chú học để thuộc các bài được truyền dạy, mà anh còn chăm chỉ đến nhà những nghệ nhân cao tuổi trong xã để học hỏi thêm. Nhiều năm qua, anh Y Dhin là một trong số ít nghệ nhân trẻ được tham gia nhiều hoạt động giao lưu và trình diễn văn nghệ dân gian trong và ngoài tỉnh.

Anh Y Dhin cho biết: Bản thân anh còn muốn học nhiều hơn nữa, nhưng các nghệ nhân cao tuổi cũng không còn nhớ nhiều. Tôi rất muốn có thể tiếp tục lưu giữ và truyền lại những chuyện tích cổ của người Ê Đê và loại hình lời nói vần, để mai này thế hệ con cháu cũng muốn học và giữ gìn những câu chuyện cổ tích, bài hát sử thi và cách nói vần của ông bà.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, huyện Cư M’gar hiện có 318 nghệ nhân biết lời nói vần, dân ca, tập trung nhiều nhất lại xã Ea Tul. Vì vậy, xã Ea Tul được chọn làm nơi thực hiện việc sưu tầm, khảo sát thực tế và lập hồ sơ khoa học về lời nói vần, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.