Cách đây hơn chục năm, gia đình anh Giàng Seo Lồng ở thôn Sử Chồ Chải, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà nhận trồng 8ha cây thông mã vĩ trên diện tích đồi dốc bạc màu. Với việc nhận khoán trồng và bảo vệ diện tích rừng thông này, hằng năm gia đình anh Lồng cũng nhận được một khoản tiền do Nhà nước chi trả là 450 nghìn đồng/ha. Số tiền này cũng chỉ giúp gia đình anh phụ vào giúp trang trải cho cuộc sống hằng ngày mà không thể nâng cao được chất lượng sống...
Tuy nhiên, đến năm 2017, với việc khai thác nhựa từ cây thông mã vĩ gia đình anh Lồng đã thu về gần 40 triệu đồng. Anh Lồng cho biết: Với việc vừa quản lý, bảo vệ và khai thác nhựa thông, gia đình anh đã có nguồn thu nhập đáng kể, từ đó yên tâm để bảo vệ và phát triển rừng. Hiện tại, gia đình anh đang tiếp tục trồng mở rộng diện tích cây thông này ở những diện tích đất không trồng cấy được của gia đình.
Không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các chủ rừng, việc khai thác nhựa thông mã vĩ cũng đang giải quyết việc làm cho hàng chục lao động là người địa phương với thu nhập gần chục triệu/tháng, một nguồn thu đáng mơ ước đối với đồng bào vùng cao Bắc Hà. Vợ chồng chị Trịnh Thị Thắm ở thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai (Bắc Hà) nhận khoán cạo nhựa hơn 2 nghìn cây thông, mỗi ngày tính ra vợ chồng anh chị cũng thu nhập 4 trăm nghìn đồng.
“Từ khi Công ty xuất nhập khẩu Tuấn Phong (Vĩnh Phúc) về đây thu mua nhựa thông, sau khi được hướng dẫn kỹ thuật vợ chồng mình và hàng chục lao động trong thôn tham gia cạo nhựa thuê cho Công ty. Tính ra thu nhập như hiện nay còn cao hơn nhiều lần trồng ngô, trồng lúa”, chị Thắm cho biết thêm.
Ông Lê Xuân Hữu, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ thuộc Hạt Kiểm lâm Bắc Hà cho biết: tại các huyện vùng cao, biên giới như Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương do đất đồi núi có độ dốc lớn, bị rửa trôi mạnh, khô hạn, cằn cỗi nên từ những năm 1990, tỉnh Lào Cai chủ trương trồng thông mã vĩ tại những địa phương này để làm rừng phòng hộ. Được sự hỗ trợ từ các chương trình như 661, 327 của Nhà nước, tại huyện Bắc Hà đến thời điểm này đã có trên 200ha thông mã vĩ được trồng và bảo vệ, trong đó 52ha đang cho khai thác nhựa.
“Từ tháng 4/2017, Công ty xuất nhập khẩu Tuấn Phong qua khảo sát diện tích rừng thông mã vĩ ở huyện Bắc Hà đã báo cáo ngành chức năng và ký kết trực tiếp với người dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao) là chủ nhân bảo vệ rừng phòng hộ với Hạt Kiểm lâm Bắc Hà để khai thác nhựa, vừa tạo nguồn thu vừa bảo vệ rừng phòng hộ tốt hơn. Theo đó, Công ty trả 13.500 đồng/cây/năm, trong đó người dân được hưởng 70% (9.500 đồng), còn lại Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện dùng để chi phí giám sát và hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo đảm theo quy định của ngành”, ông Hữu thông tin thêm.
Theo thống kê từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hà, sau hơn 1 năm tiến hành khai thác, người dân các xã Bảo Nhai, Na Hối, Nậm Mòn đã tiến hành khai thác nhựa trên 14 nghìn cây thông mã vĩ (đến kỳ cho thu hoạch), giúp cho người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng thu về hơn 3 trăm triệu đồng.
Hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ đang cùng với Công ty tiếp tục rà soát, thống kê diện tích rừng thông mã vĩ trên địa bàn toàn huyện để tiến hành khai thác những cây đủ tiêu chuẩn, cải thiện thu nhập cho người trồng rừng, tạo động lực để người dân bảo vệ, giám sát diện tích rừng được giao nhận khoán.
TRỌNG BẢO