Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Môi trường sống

Lợi ích của mô hình “biến phế liệu thành bò”

PV - 15:03, 31/07/2018

Xuất phát từ nhu cầu bảo vệ môi trường, từ năm 2009, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã nhân rộng mô hình “biến phế liệu thành bò”. Mô hình không những giúp cho môi trường ở địa phương được đảm bảo, mà còn tích cực hỗ trợ các hội viên nghèo có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế.

Chị Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Thế chia sẻ, từ trước năm 2009, Hội Phụ nữ xã Hương Vĩ đã phát động phong trào “Phụ nữ thực hành tiết kiệm thu gom rác thải chung tay giúp phụ nữ-trẻ em nghèo”. Theo đó, Hội Phụ nữ phát động các hội viên tích cực thu gom rác thải sinh hoạt khu vực mình sinh sống, qua đó phân loại rác hữu cơ và vô cơ. Đối với các loại rác thải có thể tái chế như lon nước, đồ dùng bằng kim loại, đồ nhựa..., chị em để riêng ra bán lấy tiền. Số tiền này được xung vào quỹ. Sau đó, tiền sẽ được trao cho hội viên nghèo để mua thêm cây, con giống hoặc hỗ trợ các cháu mua thêm sách vở.

biến phế liệu thành bò Phụ nữ nghèo người DTTS vui mừng nhận bò từ mô hình.

Qua quá trình thực hiện, mô hình của Hội Phụ nữ xã Hương Vĩ đã phát huy tác dụng tích cực, tạo được sự chú ý của chính quyền địa phương. Qua đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Thế đã vào cuộc nghiên cứu nhân rộng mô hình. Theo đó, mô hình này được đổi thành “biến phế liệu thành bò”.

Cách làm của Hội Phụ nữ là tuyên truyền đến từng hội viên tích cực thu gom rác thải, sau khi phân loại và bán các loại rác có thể tái chế, các hội viên đưa vào nguồn quỹ chung. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ ở các xã cũng tích cực tham gia nhận các công việc như vệ sinh đường làng, ngõ xóm, lấy tiền đưa vào quỹ. Hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện sẽ tiến hành rà soát, đánh giá danh sách các hội viên gặp khó khăn để giúp đỡ.

Bằng nguồn quỹ này, mỗi năm Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Thế hỗ trợ được từ 50-70 con bò cho các hội viên nghèo. Từ 2009 đến nay, chương trình đã giúp cho hơn 500 hội viên Hội Phụ nữ được nhận bò.

Chị Trần Thị Hà cho biết thêm, mô hình “biến rác thải thành bò” luôn được Hội Phụ nữ huyện quan tâm, duy trì. Riêng 6 tháng đầu năm nay, các hội viên đã tiết kiệm từ hoạt động thu gom, phân loại rác thải, bán rác thải có thể tái chế được 158 triệu đồng, qua đó tổ chức tặng 27 con bò cho 27 hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Lý Thị Điệp, dân tộc Nùng ở thôn Đền Trắng, xã Đông Sơn, phấn khởi thông tin, trước đây, hoàn cảnh gia đình chị vô cùng khó khăn. Chồng chị mắc bệnh xương thủy tinh, lại chạy thận nhân tạo nhiều năm nay, vì thế gia đình chị thường xuyên túng thiếu.

Rất may thời gian này, chị luôn nhận được sự động viên, chia sẻ từ các chị em ở Hội Phụ nữ. Vào tháng 5 vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã hỗ trợ gia đình chị Điệp 9 triệu đồng mua bò sinh sản. Cùng đó, các hội viên còn thường xuyên thăm hỏi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi. Dự kiến đến cuối năm nay, con bò sẽ sinh bê, chị có thêm tiền trị bệnh cho chồng và mua thêm gà để tăng gia sản xuất.

Cùng chung niềm vui với chị Điệp, chị Lý Thị Hinh, dân tộc Nùng ở xã Đồng Lạc cũng vừa được nhận bò từ chương trình. Chị Hinh vốn sống một mình không chồng con nên kinh tế vô cùng khó khăn. Được Hội Phụ nữ trao bò đã giúp chị có thêm thu nhập; quan trọng hơn, chị nhận được sự quan tâm chia sẻ để có thêm niềm tin vào cuộc sống.

Có thể nói mô hình “biến rác thải thành bò” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Thế là một mô hình ý nghĩa, thiết thực và rất hiệu quả. Mô hình này cần được nhân rộng tại các Hội Phụ nữ khác trên toàn quốc, nhất là vùng DTTS và miền núi-nơi người dân còn gặp nhiều khó khăn.

THIÊN ĐỨC

Tin cùng chuyên mục
Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Đầu giờ chiều nay (20/9), trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trương Thanh Duẩn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết: “Hiện toàn xã có 428 hộ dân bị ngập trong nước. Trong đó, các hộ dân ở khu vực Cồn Ba đã ngập sâu 2m”.