Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL, ngày 18/01/2019 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” là lời giải cho bài toán bảo tồn trang phục truyền thống các DTTS ở nước ta. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL).
Trong thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các DTTS mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Vậy nguyên nhân do đâu, thưa bà?
Nguyên nhân khách quan đầu tiên phải nói đến là không gian văn hóa của các DTTS ngày càng bị thu hẹp do xu thế đô thị hóa, hiện đại hóa ngày càng nhanh, mạnh tại vùng đồng bào các DTTS. Không gian thực hành văn hóa như các nghi lễ, lễ hội chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Không gian văn hóa, sinh hoạt ngày càng thay đổi, giao thoa... Nghề dệt, nhuộm thủ công truyền thống chưa quan tâm sản xuất nguyên liệu, đổi mới trang thiết bị, quảng bá và giới thiệu sản phẩm... Giá thành về sản phẩm trang phục truyền thống đắt gấp nhiều lần so với trang phục bán trên thị trường.
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy trang phục các DTTS ở Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Có ít chương trình, đề án, dự án nghiên cứu về vấn đề bảo tồn trang phục truyền thống các DTTS; công tác bảo tồn chưa đồng bộ, sâu rộng; kinh phí dành cho công tác bảo tồn văn hóa nói chung, trang phục truyền thống nói riêng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế…
Được biết, để giải quyết những hạn chế trên, vừa qua, Bộ VHTT&DL đã ban hành Quyết định số 209/QĐ-Bộ VHTT&DL, ngày 18/01/2019 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Vậy mục tiêu cơ bản Đề án hướng tới là gì, thưa bà?
Mục tiêu của Đề án là nhằm bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các DTTS đáp ứng yêu cầu “di sản văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu” góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các DTTS Việt Nam. Đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các DTTS, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.
Không phải đến bây giờ chúng ta mới nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam. Nhưng tại sao đến giờ mới có Đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam, thưa bà?
Từ trước tới nay, vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa các DTTS luôn là một trong những nội dung quan trọng được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Bộ VHTT&DL cùng các ban, bộ, ngành có liên quan, các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà khoa học, các địa phương đã và đang triển khai nhiều nội dung, chương trình nhằm bảo tồn, tôn vinh và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc nói chung, trang phục truyền thống nói riêng thông qua nhiều hình thức: Tổ chức Hội thảo khoa học về trang phục truyền thống các dân tộc; định kỳ tổ chức các ngày hội, giao lưu văn hóa theo khu vực, toàn quốc và từng dân tộc; Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam lần thứ Nhất (năm 2011); Bảo tồn các làng bản, buôn truyền thống; lễ hội truyền thống các DTTS; mở các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể của DTTS rất ít người… Qua đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc đã kịp thời được bảo tồn và phát huy, trong đó có trang phục truyền thống.
Tuy nhiên, để bảo tồn bền vững, có chiều sâu, rất cần một Đề án đặc thù để triển khai công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống theo lộ trình, đồng bộ và mang tính lâu dài.
Bà đánh giá thế nào về tính cấp thiết của Đề án trong bối cảnh hiện nay?
Bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đồng thời với cuộc “cách mạng công nghiệp 4.0” đã và đang ảnh hưởng mạnh đến nhiều quốc gia, nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Theo đó, sự giao lưu văn hóa ngày càng sâu rộng cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, làn sóng văn hóa ngoại lai xâm nhập, không gian văn hóa truyền thống các DTTS ngày càng thu hẹp khiến văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS đang đứng trước nguy cơ mai một nghiêm trọng và trang phục của các DTTS dần mất đi bản sắc và sự độc đáo về chất liệu, sự nguyên bản, tinh tế cũng như cách thức dệt, may, thêu thùa truyền thống.
Trên thực tế, trang phục truyền thống của một số dân tộc đã và đang biến dạng, mất gốc, thay đổi bằng các trang phục mới. Nếu không kịp thời bảo tồn và phát huy, trong thời gian không xa, các trang phục truyền thống DTTS sẽ mất đi, bản sắc văn hóa dân tộc khó tìm lại được. Cho nên Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” là cần thiết để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung, nhằm cụ thế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, trong đó có trang phục truyền thống.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
HỒNG MINH