Sử dụng theo thói quenHai huyện Bắc Hà và Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai được coi là “thiên đường trôi nổi” của thuốc BVTV. Sôi nổi nhất là các phiên chợ vào các ngày cuối tuần. Tại Chợ Sín Chéng của huyện Si Ma Cai, thuốc được người dân bày bán tràn lan cùng với những mặt hàng khác, thậm chí ngay cạnh những sạp đồ ăn. Mặc dù, thuốc BVTV là mặt hàng có độc tố cao có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng khi tiếp xúc, nhưng ở đây dường như không ai quan tâm tới điều đó.
Tranh thủ phiên chợ, anh Giàng Seo Dơ, ở xã Nàn Xín cũng mua vài lọ thuốc BVTV mà trên mỗi lọ thuốc chỉ ghi chi chít chữ... Trung Quốc. Khi được hỏi anh có hiểu trên lọ thuốc ghi gì không? Anh Dơ hồn nhiên trả lời: “Mình không biết”. Chúng tôi hỏi thêm tại sao anh không ra cửa hàng vật tư nông nghiệp mua? Anh Dơ cho biết: “Ra huyện xa nên đi chợ mua thôi, đi chợ mua nó không đắt, họ bán rẻ lắm”. Cũng theo anh Dơ, mặc dù không hiểu trên lọ thuốc ghi gì nhưng “dùng thuốc này nhiều quen rồi, ruộng nhiều phải rùng nhiều, ít thì dùng một hai chai thôi”.
Theo ghi nhận của phóng viên. thì mỗi phiên chợ ở đây đều có hàng chục quầy bán các loại thuốc BVTV công khai, trong đó chủ yếu là các loại thuốc BVTV do Trung Quốc sản xuất. Một điều ngạc nhiên là cả người mua và người bán đều không biết chữ, họ bán và sử dụng đều theo thói quen. Anh Thào Seo Lải ở thôn Làng Cảng, xã Si Ma Cai buôn bán thuốc BVTV tại các chợ trên địa bàn hàng chục năm nay. Khi được hỏi anh có hiểu trên các chai thuốc ghi gì không và khi bán cho bà con anh có tư vấn cách sử dụng không? Anh Lai cho biết: “Mình không tìm hiểu sâu về cái đấy, bà con họ sử dụng lâu rồi mình không cần phải tư vấn, đây là nhu cầu người ta cần thì người ta mua thôi. Người dân biết thừa nó dùng để làm gì người ta mua”?.
Theo quy định để có thể bán thuốc BVTV người bán cần phải có chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp, cùng nhiều yêu cầu khác. Tuy nhiên, đa số các hộ kinh doanh ở đây đều trong tình trạng “ba không” gồm: Không giấy phép kinh doanh, không chứng chỉ hành nghề và thuốc không rõ nguồn gốc. Mặc dù, các cơ quan chức năng đã khuyến cáo và thường xuyên kiểm tra nhưng vì lợi nhuận nên nhiều người vẫn bày bán các loại thuốc bảo vệ thực vật tại chợ.
Tăng cường các giải pháp để giảm thiểuÔng Đinh Đức Trung, Đội phó Đội quản lý thị trường số 10, Chi cục quản lý thị trường Lào Cai cho biết: Đối tượng kinh doanh thuốc BVTV đa số là đồng bào DTTS. Số lượng hàng kinh doanh ít, trong đó có mặt hàng thuốc do Trung Quốc sản suất. Chúng tôi đi kiểm tra, người ta nhìn thấy là người ta giấu hàng gần hết, rất khó bắt giữ và sử lý.
Không có các kiến thức cơ bản về bảo quản, sử dụng và bảo hộ, người dân lạm dụng thuốc BVTV rồi xả rác độc hại bừa bãi ra môi trường là thực trạng rất đáng báo động, hậu quả về lâu dài cũng như trước mắt là hết sức nguy hiểm.
Rất nhiều người còn nhớ vào ngày 10/4/2016, tại công trường thi công thủy lợi tại xã Cán Hồ, huyện Si Ma Cai, 8 công nhân đã bị ngộ độc thuốc BVTV phải đưa đi cấp cứu sau khi uống nước lã trong thùng chứa nước ngoài trời tại nhà trọ. Nguyên nhân do người dân phun thuốc BVTV khi trời gió lớn, bất cẩn gây nhiễm độc trong quá trình pha chế thuốc tại nguồn nước mà công nhân sử dụng. Rất may vụ ngộ độc không có nạn nhân nào thiệt mạng, nhưng đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng buôn bán, sử dụng thuốc BVTV tràn lan tại địa bàn các xã vùng cao.
Thiết nghĩ, để giải quyết tình trạng trên, các đơn vị chức năng của tỉnh Lào Cai cần sớm có những biện pháp tích cực, đồng bộ, không chỉ với người kinh doanh mà cả người tiêu dùng. Trong đó tăng cường quản lý các lối mòn, lối mở, cửa khẩu, giảm thiểu thuốc BVTV nhập lậu qua biên giới. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân hiểu và sử dụng đúng các loại thuốc BVTV trong danh mục, không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc. Có như vậy, mới mong giảm thiểu những tác hại trước mắt cũng như lâu dài mà thuốc BVTV gây ra.
TRỌNG BẢO