Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Linh hoạt, bám sát thực tiễn trong triển khai kế hoạch năm học 2021-2022

PV - 20:00, 12/10/2021

Chiều 12/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ GD&ĐT về kế hoạch thực hiện năm học 2021-2022.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải tổ chức tiêm vaccine sớm và an toàn cho học sinh trong độ tuổi theo quy định của Bộ Y tế. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải tổ chức tiêm vaccine sớm và an toàn cho học sinh trong độ tuổi theo quy định của Bộ Y tế. Ảnh: VGP/Đình Nam

Linh hoạt theo tình hình dịch

Báo cáo Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc tổ chức dạy học năm 2021-2022 đã được các địa phương triển khai thực hiện linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 của từng tỉnh, thành phố.

Đến ngày 12/10, có 23 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp; 8 địa phương kết hợp vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến, qua truyền hình; 32 địa phương phải dạy học hoàn toàn trực tuyến, qua truyền hình.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo hướng giữ ổn định như năm 2021, có thể tổ chức nhiều đợt tuỳ theo tình hình dịch bệnh ở các địa phương tại thời điểm tổ chức thi. Ảnh: VGP/Đình Nam
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo hướng giữ ổn định như năm 2021, có thể tổ chức nhiều đợt tuỳ theo tình hình dịch bệnh ở các địa phương tại thời điểm tổ chức thi. Ảnh: VGP/Đình Nam

Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT về việc tiếp nhận và tạo điều kiện học tập cho học sinh, trẻ em (cùng gia đình) di chuyển từ các tỉnh, thành phố về quê. Các Sở GD&ĐT phối hợp với các nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh sớm ổn định và tiếp tục học tập tại nơi cư trú, bố trí lớp học theo đúng đối tượng, tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh chuyển đến để kịp thời đáp ứng yêu cầu học tập theo kế hoạch của nhà trường.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời điểm kết thúc năm học 2021-2022 sẽ linh hoạt. Đối với những nơi có dịch, tùy vào tình hình thực tế, có thể kết thúc năm học muộn hơn. Tuy nhiên, khi học sinh quay trở lại học trực tiếp, hình thức học trên truyền hình, hỗ trực tuyến vẫn là công cụ để bổ trợ, củng cố, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao khả năng tự học của học sinh. Việc ban hành chương trình học cốt lõi được áp dụng trong thời gian học trực tuyến cũng như học trực tiếp, sau đó mới củng cố, mở rộng kiến thức.

Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo hướng giữ ổn định như năm 2021, tăng cường chuẩn hoá đề thi trắc nghiệm, có thể tổ chức nhiều đợt tuỳ theo tình hình dịch bệnh ở các địa phương tại thời điểm tổ chức thi.

Sớm đưa 1 triệu thiết bị học trực truyến đến học sinh

Đối với việc triển khai chương trình “Sóng và Máy tính cho em”, tính đến ngày 12/10, ngành giáo dục đã huy động, vận động khoảng 66,82 tỷ đồng và hơn 800.000 thiết bị theo cam kết tài trợ của các đơn vị, doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết đến thời điểm này, 100% các điểm cần phủ sóng Internet để bảo đảm học trực tuyến cho các em học sinh ở vùng dịch đã được hoàn thành. Nguồn kinh phí để mua 1 triệu thiết bị học trực tuyến cho học sinh đã có đủ. Các nhà tài trợ đã và đang thực hiện việc mua sắp các thiết bị học trực tuyến nhưng gặp khó khăn về nguồn cung.

Dự kiến, đến hết tháng 11/2021, 100.000 thiết bị học trực tuyến đầu tiên sẽ đến tay các em học sinh. Mong muốn của Bộ TT&TT, các đơn vị tài trợ là đến cuối năm 2021 sẽ đạt mục tiêu cung cấp 1 triệu thiết bị học trực truyến cho học sinh nhưng trong trường hợp bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 thì chậm nhất là trong quý I/2022 chương trình này sẽ hoàn thành.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ TT&TT nỗ lực hơn nữa để sớm có thiết bị học trực tuyến cho học sinh. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT lưu ý các kiến nghị của doanh nghiệp về miễn phí lưu lượng băng thông, sử dụng phần mềm học trực tuyến và cách thức tính toán để đảm bảo đúng các quy định, trường hợp vượt thẩm quyền cần báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Bộ TT&TT tiếp tục đẩy mạnh phủ sóng Internet, kể cả ở vùng không có dịch vì học trực tuyến, học trên truyền hình vẫn là phương thức học bổ trợ lâu dài.

Nhấn mạnh sự quan trọng trong an toàn an ninh thông tin của môi trường giáo dục trẻ em, Phó Thủ tướng giao Bộ TT&TT, các đơn vị viễn thông, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT để sớm hình thành những phần mềm, ứng dụng học trực tuyến đảm bảo an toàn thông tin cho học sinh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang lên kế hoạch, lộ trình triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, trước hết sẽ triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi. Ảnh: VGP/Đình Nam
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang lên kế hoạch, lộ trình triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, trước hết sẽ triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi. Ảnh: VGP/Đình Nam

Chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi

Về kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang lên kế hoạch, lộ trình triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, trước hết sẽ triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi. “Dự kiến, ngày 15/10, Bộ Y tế sẽ ban hành Hướng dẫn tiêm vaccine cho nhóm trẻ em này”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thông tin, Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV/2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho 95% trên tổng số 8,1 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi trên cả nước. Cùng với đó, Bộ Y tế đang rà soát, thống kê số trẻ em từ 3-11 tuổi; đồng thời tiếp cận các nguồn vaccine, tham khảo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia, nhà khoa học để sẵn sàng có hướng dẫn tiêm cho trẻ từ 3-11 tuổi khi có vaccine.

“Cùng với tiến độ tiêm vaccine chung trên cả nước, ngành giáo dục, y tế có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine chi tiết cho từng lứa tuổi, từng cấp học, từng bước mở lại môi trường an toàn, đón học sinh quay trở lại trường học”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở GD&ĐT rà soát, đánh giá, củng cố, hoàn thiện công tác phòng, chống dịch, sẵn sàng mở lại trường học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ Chính phủ đã bàn và có Nghị quyết để phấn đấu hết năm 2021 cơ bản kiểm soát dịch trên toàn quốc, đưa lại cuộc sống bình thường mới; do đó, kế hoạch của ngành giáo dục cũng cần bám sát mục tiêu này.

Bộ GD&ĐT khẩn trương rà soát các quy định đảm bảo an toàn học đường phù hợp với điều kiện hiện nay khi giáo viên, phụ huynh đã được tiêm vaccine, sắp tới học sinh từ 12-17 tuổi cũng sẽ được tiêm, Bộ Y tế đang nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, trao đổi với nhà khoa học để có lộ trình tiêm cho học sinh dưới 12 tuổi. “Bộ GD&ĐT phải tổ chức tiêm vaccine sớm và an toàn cho học sinh trong độ tuổi theo quy định của Bộ Y tế. Ngay từ bây giờ, Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đăng ký tiêm vaccine cho trẻ em trong độ tuổi từ 12-17 tuổi, để khi vaccine về vào cuối tháng 10, có thể tổ chức tiêm nhanh nhất, an toàn nhất cho các cháu”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT chuẩn bị hệ thống giám sát y tế học đường để tất cả học sinh có đầu mối cụ thể theo dõi sức khỏe, bảo vệ cho nhóm học sinh chưa được tiêm vaccine, bởi trong điều kiện bình thường mới, vẫn có thể xuất hiện ca mắc trong cộng đồng. “Tinh thần là đến trường phải an toàn, trong trường học là môi trường an toàn. Đặc biệt, ngành giáo dục cần lưu ý đến chăm lo tâm lý học đường, tâm lý học sinh trong và sau mùa dịch”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ảnh: VGP/Đình Nam
Ảnh: VGP/Đình Nam

Tiếp tục đổi mới phương thức giảng dạy, học tập

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, trong điều kiện dịch COVID-19 tác động gây ra nhiều khó khăn, ngành giáo dục đã có nhiều cách làm mới, đáng khích lệ, đặc biệt trong việc thúc đẩy thêm một bước đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên, tự học của học sinh, phân biệt được những nội dung có tính cốt lõi và nội dung bổ trợ với nhiều hình thức linh hoạt. Việc đánh giá học sinh học trên lớp, học trực tuyến đã hình thành những phương pháp tốt. Cùng với đó, công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tuyển sinh Đại học cơ bản đạt yêu cầu đề ra.

Năm học 2021-2022 diễn ra trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cả nước. Đến nay, nhiều địa phương chưa cho học sinh học trực tiếp. Trong khi đó, điều kiện học tập trực tuyến không đồng đều, nhiều trẻ em nghèo trong các vùng dịch gặp nhiều khó khăn.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT, các đơn vị viễn thông, đài truyền hình đã nỗ lực xây dựng, triển khai các chương trình dạy học trực tuyến, trên truyền hình, cơ bản đáp ứng được một phần nhu cầu học tập của học sinh, có những điểm tích cực nhất định. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc học trực tuyến, học trên truyền hình chỉ là hình thức bổ trợ, không tránh khỏi những tác động không mong muốn.

Ngành giáo dục phải có kế hoạch, giải pháp bảo đảm hoàn thành năm học theo kế hoạch; bổ trợ, củng cố kiến thức cho học sinh bằng những hình thức phù hợp trong ngắn hạn cũng như trong những năm học tiếp theo.

Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, ngành giáo dục cần sẵn sàng các khâu chuẩn bị để công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2021-2022, đánh giá kết quả học tập, chất lượng học sinh cũng như tổ chức kết thúc năm học linh hoạt trong mọi tình huống; có phương án dự phòng các hoạt động bổ trợ kiến thức cho học sinh trong thời gian tiếp theo.

Trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Phó Thủ tướng cho biết, trong điều kiện dịch bệnh, việc thẩm định, xuất bản và đưa sách giáo khoa đến học sinh và gia đình được triển khai tương đối tốt. Bộ GD&ĐT tiếp tục sát sao hơn nữa trong công tác đổi mới chương trình, chuẩn bị và đưa sách giáo khoa mới theo hình thức “cuốn chiếu”.

Từ kinh nghiệm phân phối sách giáo khoa trong điều kiện dịch bệnh, Phó Thủ tướng cho rằng, giải pháp thực hiện tuyển chọn, thẩm định, xuất bản sách giáo khoa, thống nhất nhu cầu của từng bộ sách và ứng dụng đặt mua trực tuyến đưa sách đến tận tay học sinh đã khắc phục được tình trạng sách giả. Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch tiếp tục đổi mới công tác trang bị dụng cụ học tập trong nhà trường; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; thay thế một số học cụ, công cụ bằng các công cụ công nghệ thông tin.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo Sở GD&ĐT các địa phương, các nhà trường củng cố cơ sở vật chất trường học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, gắn với việc bảo đảm Internet cũng như các yếu tố đáp ứng việc dạy và học trong điều kiện dịch bệnh. Ngoài ra, các địa phương sớm tu sửa, quan tâm đến những hạ tầng thông tin để khi học sinh, giáo viên trở lại trường lớp khang trang, sạch sẽ và đáp ứng được yêu cầu học tập hiện nay, trong đó có học trực tuyến.

Về dài hạn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục bám sát vào Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết 29/NQ-TW) để tiến hành sơ kết, tổng kết từng nhiệm vụ đã triển khai, kiến nghị những nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.