Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Liên kết trong đào tạo nghề, hướng đi phù hợp của Trường Cao đẳng Lào Cai

Trọng Bảo - 10:30, 02/12/2023

Nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế; thời gian qua, Trường Cao đẳng Lào Cai đã đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo nghề với các đơn vị, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Học sinh, sinh viên sau khi ra trường không chỉ thạo nghề mà còn chuẩn kỹ năng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và khắt khe của thị trường lao động.

Tăng cường hợp tác, liên kết góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề
Tăng cường hợp tác, liên kết góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Tốt nghiệp ngành Cơ khí động lực tại Trường Cao đẳng Lào Cai, anh Nguyễn Đức Hải từng làm việc tại các doanh nghiệp lớn trong tỉnh. Sau thời gian đi làm và tích lũy vốn, kinh nghiệm; năm 2021, anh Hải quyết định đứng ra mở xưởng sửa chữa, thay thế phụ tùng ô tô để kinh doanh độc lập. Khách hàng đông, doanh thu cao, xưởng sửa chữa của anh Hải cũng tạo việc làm ổn định cho 5 -6 lao động.

“Với vốn kiến thức đã được học tại Trường Cao đẳng Lào Cai đã giúp tôi tự tin làm việc ngay sau khi ra trường. Giờ đây, khi có cơ sở riêng tôi có thêm cơ hội để chỉ bảo cho anh em công nhân những kỹ thuật mới, những lỗi khó mà các em có thể chưa gặp bao giờ”, anh Hải chia sẻ.

Tại Công ty Toyota Lào Cai, nhiều học sinh, sinh viên của Trường Cao đẳng lào Cai đã và đang được tạo điều kiện đến để thực tập, nâng cao tay nghề. Trong đó, có nhiều em sau ra trường đã được tuyển dụng vào làm việc, đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại đây. Việc liên kết, hợp tác cùng doanh nghiệp đã và đang giúp Trường Cao đẳng Lào Cai nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao của nhà tuyển dụng.

“Những năm gần đây, Công ty đã hợp tác rất tốt với Trường Cao đẳng Lào Cai trong việc đào tạo nghề và cung ứng nguồn nhân lực. Trong quá trình hợp tác các em có điều kiện được đến thực tập gần trường; ngược lại, chúng tôi cũng có điều kiện tuyển dụng lao động ngay tại địa phương mà trình độ, tay nghề rất tốt”, ông Nguyễn Văn Tuyên, Tổng Giám đốc Công ty Toyota Lào Cai cho biết.

Trang thiết bị phục vụ giảng dạy, thực hành cho học sinh, sinh viên được đầu tư hiện đại
Trang thiết bị phục vụ giảng dạy, thực hành cho học sinh, sinh viên được đầu tư hiện đại

Là cơ sở đào tạo nghề lớn nhất của tỉnh, Trường Cao đẳng Lào Cai hiện đang đào tạo 75 mã ngành trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Nhà trường đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đào tạo nghề, hướng tới mục tiêu đến năm 2025 trở thành một trong 70 trường nghề chất lượng cao của cả nước.

“Để đạt được mục tiêu này, trước hết nhà trường đã đào tạo được đội ngũ giảng viên đạt chuẩn, đổi mới chương trình, tiếp cận theo năng lực nước ngoài. Cùng với đó, chúng tôi tăng cường liên kết hợp tác với doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ, nhu cầu của xã hội; vì có đào tạo tốt đến đâu mà các em ra trường không tìm được việc làm thì cũng chỉ mới thành công được một nửa”. ông Nguyễn Quang Tĩnh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai nhấn mạnh.

Với cách làm và hướng đi này, hiện nay, Trường Cao đẳng Lào Cai đã liên kết, hợp tác với hơn 80 tập đoàn, doanh nghiệp trong cả nước. Mỗi năm, nhà trường đưa từ 2.000-2.500 học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Trong quá trình đi thực tập; học sinh, sinh viên được doanh nghiệp trả lương từ 5-12 triệu đồng/tháng. Qua hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp, đã tạo tạo việc làm ổn cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Thống kê cho thấy, trên 80% học sinh, sinh viên có việc làm ổn định sau khi ra trường. Điều này, đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu dạy nghề và giải quyết việc làm trong chiến lược giảm nghèo của tỉnh Lào Cai.

Ngoài ra, việc mở rộng đối ngoại, hợp tác với các tổ chức, trường đại học, cao đẳng của nước ngoài, giúp giảng viên, học sinh, sinh viên có cơ hội học tập, làm việc, nâng cao phương pháp giảng dạy, tiếp cận phương pháp đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó, đã thu hút lượng lớn sinh viên từ các tỉnh lân cận về học nghề, sau đó ở lại làm việc, gắn bó với Lào Cai, góp phần thực hiện và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.