Đây là cách làm mới hứa hẹn mang lại hiệu quả cho nông dân trồng tiêu trong thời buổi giá cả bấp bênh.
Hai năm nay, tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt và giá cả tụt dốc không phanh khiến hàng nghìn nông dân các tỉnh Tây Nguyên điêu đứng, thậm chí trắng tay lâm cảnh nợ nần. Đã có không ít nông dân chán nản từ bỏ hồ tiêu chuyển đổi trồng loại cây khác.
Trong khi đó, hàng chục hộ trồng tiêu xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa không lùi bước, tự mở cho mình hướng đi mới vừa tiếp tục gắn bó với hồ tiêu mà vẫn có thu nhập ổn định. Đó là các hộ tự liên kết với nhau thành lập Tổ sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ bền vững, giảm giá thành sản xuất mà lại tăng giá trị sản phẩm. Ngày 10/5, Tổ liên kết sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch bền vững xã Nam Yang chính thức ra mắt.
Ông Đoàn Ngân, thành viên của Tổ liên kết chia sẻ: Trước giờ tôi canh tác theo kiểu truyền thống, mạnh ai nấy làm, sản phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch thì nhập cho các đại lý, thương lái nên hay bị ép giá. Sau khi tham gia Tổ liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng an toàn, bền vững. Tiêu của chúng tôi đã bán giá cao gần gấp đôi so giá trên thị trường. “Thời buổi công nghệ hiện đại, hội nhập quốc tế, đã đến lúc nông dân cần xây dựng mối liên kết sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm thì mới mong tìm được đầu ra ổn định”.
Cùng chung chí hướng, anh Trần Quang Sơn ở thôn 1 cho biết: Ngoài việc sản xuất theo hướng hữu cơ đảm bảo độ an toàn cho sản phẩm, bán được giá cao, gia đình anh còn tự sơ chế, phơi sấy, đóng gói cẩn thận, tỉ mỉ để đẩy giá siêu cao. Anh Sơn đã thành công với cách làm này, trong khi tiêu để nguyên hạt bán giá 100.000 đồng/kg thì sản phẩm đã qua sơ chế, đóng gói của anh đã nâng lên 200.000-500.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để làm ra sản phẩm giá cao như vậy yêu cầu đầu tư công sức nhiều hơn. “Tôi tự sáng tạo ra máy sấy hồ tiêu nên sản phẩm sau khi được xử lý thì chất lượng, màu sắc, mùi vị của hạt tiêu tăng lên nhiều lần. Với công nghệ này, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ với các thành viên trong Tổ để mọi người cùng làm”.
Theo ông Ngô Văn Tiên, Tổ trưởng Tổ liên kết thì, mục đích chính của Tổ là liên kết bà con nông dân với nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong chăm sóc hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Nông dân sẽ tự liên kết với doanh nghiệp cung ứng kỹ thuật, phân bón hữu cơ vi sinh, lựa chọn đối tác để bán trực tiếp, loại bỏ chi phí khâu trung gian. Gia đình ông Tiên là hộ đi đầu trong việc phát triển hồ tiêu sạch ở xã Nam Yang.
Hiện, Tổ liên kết có 52 thành viên. Đã liên hệ được với 2 doanh nghiệp cung ứng phân bón là Công ty Phân bón Đồng Phú, thuộc Tập đoàn Hùng Nhơn ở Bình Phước và Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu VBAY BIO ở TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) cam kết bán phân bón chất lượng, không qua trung gian nên chi phí sẽ giảm thấp nhất. Tổ cũng đã liên hệ một vài doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và cũng nhận được lời hứa sẽ thu mua với giá cao nếu sản phẩm đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Cường Quốc, chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Đăk Đoa đánh giá: Đây là địa phương đầu tiên trên địa bàn thành lập Tổ liên kết nông dân với nông dân, một hướng đi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính, khắt khe của thị trường. Vừa giảm các chi phí đầu vào vừa tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân và hướng đến sản xuất bền vững.
LÊ HƯỜNG