Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Liên kết bảo vệ rừng khu vực Tây Bắc

PV - 09:05, 17/04/2019

Với địa bàn rộng và hiểm trở, nhiều diện tích rừng nằm trải rộng qua các tỉnh, thời gian qua, các lực lượng chức năng địa phương trên địa bàn Tây Bắc đã đẩy mạnh việc liên kết, phối hợp trong việc quản lý và bảo vệ rừng.

Lực lượng Kiểm lâm huyện Văn Bàn (Lào Cai) và huyện Than Uyên (Lai Châu) tuyên truyền công tác quản lý và bảo vệ rừng cho người dân. Lực lượng Kiểm lâm huyện Văn Bàn (Lào Cai) và huyện Than Uyên (Lai Châu) tuyên truyền công tác quản lý và bảo vệ rừng cho người dân.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, khu vực giáp ranh của 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Sơn La gồm 12 huyện, 39 xã, 1 phường, với diện tích tự nhiên vùng giáp ranh 501.587ha, diện tích đất có rừng 231.401ha, trong đó 223.344ha rừng từ nhiên, 8.057ha rừng trồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Ông Nguyễn Văn Biển, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu cho biết: Khu vực giáp ranh này có diện tích rừng tự nhiên lớn, trữ lượng rừng cao, tính đa dạng sinh học phong phú, lưu giữ nhiều nguồn gen quý như: nghiến, pơ mu, thông tre lá dài, sâm Lai Châu, tam thất hoang và một số dược liệu quý hiếm khác.

Tuy nhiên, đây cũng là khu vực có địa hình chia cắt phức tạp, diện tích rừng xa trung tâm, xa khu dân cư, địa hình hiểm trở gây rất nhiều khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện vi phạm hay huy động người dân tham gia chữa cháy.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm 3 tỉnh đã ký quy chế phối hợp trong việc quản lý và bảo vệ rừng. Thực hiện quy chế này, lực lượng kiểm lâm của 3 tỉnh sẽ tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đến người dân.

Bên cạnh đó, lực lượng sẽ thường xuyên trao đổi thông tin cho nhau để kịp thời nắm bắt tình hình, thống nhất biện pháp xử lý các vụ việc được phát hiện và các tình huống liên quan; xây dựng phương án bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, khi xảy ra cháy rừng tại khu vực giáp ranh, địa phương nào phát hiện đám cháy trước thông tin cho nhau, đồng thời tổ chức huy động chữa cháy kịp thời. Hằng năm, Hạt Kiểm lâm các huyện giáp ranh tuần tra chung về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy chữa cháy rừng…

Tương tự, khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Yên Bái có trên 69.000ha rừng thuộc các huyện: Văn Bàn (Lào Cai) và Than Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải (Yên Bái) quản lý. Tuy nhiên, do người dân sống gần rừng, hoạt động trồng và canh tác thảo quả dẫn đến tình trạng phá rừng làm nương, chặt phá rừng lấy gỗ còn xảy ra. Trước thực trạng này, lực lượng kiểm lâm các huyện vùng giáp ranh đã xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Chỉ tính riêng trong năm 2018, lực lượng kiểm lâm các huyện giáp ranh đã tổ chức 16 cuộc họp thôn, tuyên truyền và ký cam kết bảo vệ rừng với hơn 600 hộ tại các xã vùng giáp ranh.

“Chúng tôi đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải, UBND xã Nậm Có (Mù Cang Chải, Yên Bái) tổ chức tuyên truyền tại thôn Lùng Cúng, Phìn Ngài về những quy định bảo vệ và phát triển rừng; Phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Than Uyên (Lai Châu) tuần tra 43 lượt tại khu vực trọng điểm thường xảy ra các vụ khai thác, phát rừng làm nương thuộc địa phận các xã: Nậm Xây, Nậm Xé của huyện Văn Bàn; duy trì 6 chốt bảo vệ rừng tại các khu vực giáp ranh, thường trực 24/24 giờ trong những ngày cao điểm của mùa hanh khô và dịp lễ, tết. Nhờ đó, trong năm 2018 và quý 1/2019, khu vực giáp ranh không xảy ra vụ cháy rừng nào”, ông Đỗ Ngọc Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn cho biết.

Địa bàn rộng và hiểm trở, công tác phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm các huyện giáp ranh đang có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý và bảo vệ rừng diện tích rừng hiện có.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai, công tác phối hợp liên kết còn một số khó khăn hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, do thiếu kinh phí, công tác phối hợp giữa các lực lượng trong hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn chưa được triển khai sâu rộng. Việc phối hợp thực hiện trong nhiều vụ việc còn mang tính hình thức, trao đổi thông tin là chính nên hiệu quả chưa cao. Trên thực tế vẫn còn tình trạng rừng bị xâm phạm, người dân vẫn lén lút trồng mới cây thảo quả trong rừng.

“Thời gian tới, các địa phương cần tăng cường đầu tư các dự án, mô hình phát triển sinh kế cho cộng đồng, gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững vùng giáp ranh. Tăng cường tuyên truyền để làm sao huy động sự vào cuộc cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là người dân tham gia cùng với lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng”, ông Vĩnh nhấn mạnh.

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.