Sau khi công bố điểm thi, các địa phương tiến hành xét tốt nghiệp cho học sinh dự thi và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kế hoạch tuyển sinh.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm nay là 1.071.000 em, tăng hơn 45.000 thí sinh so với năm ngoái. Trong đó, số thí sinh tự do là 46.978, chiếm 4,38%. Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ là 66.927 em, chiếm 6,25%; nhiều nhất là thí sinh của Hà Nội có 21.554 thí sinh; TPHCM có 13.076 em.
Năm nay, chỉ 37% thí sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên, còn lại 63% chọn bài thi Khoa học xã hội. So với năm ngoái, số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội tăng và cao nhất kể từ năm 2017 năm trở lại đây.
Đánh giá sơ bộ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nêu rõ: Bằng sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành; sự phối hợp của các cấp, ngành, công tác coi thi, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế. Cụ thể:
Thứ nhất, công tác coi thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Các cấp, ngành, từ Trung ương đến địa phương đều có các phương án dự phòng để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Thứ hai, thời tiết cơ bản thuận lợi trong thời gian diễn ra kỳ thi. Đến thời điểm này, theo cập nhật từ báo cáo của các địa phương, không có thí sinh nào vì cách trở giao thông, ảnh hưởng của thời tiết hay khó khăn về kinh tế mà phải bỏ thi.
Thứ ba, công tác ra đề và in sao, vận chuyển, bảo quản, sử dụng đề thi bảo mật, an toàn.
Thứ tư, cán bộ coi thi được nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm. Dù số lượng nhiều hơn so với kỳ thi năm 2023, nhưng năm nay không có thầy cô nào vi phạm Quy chế thi.
Thứ năm, số thí sinh vi phạm Quy chế thi cũng giảm hẳn so với năm 2023 dù số lượng dự thi đông hơn; đặc biệt không có những vi phạm mang tính phức tạp như phát tán đề thi.
Thứ sáu, theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi bảo đảm cấu trúc, định dạng như đã công bố, nằm trong chương trình THPT, có độ phân hóa phù hợp.
Thứ bảy, việc bảo đảm an ninh, an toàn, từ in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi/bài thi; an toàn giao thông; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn phòng chống cháy nổ; an ninh trật tự… đều được bảo đảm.
Cuối cùng, công tác truyền thông về kỳ thi hết sức chủ động, kịp thời.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng cho biết Bộ GD&ĐT tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, làm tốt công tác phối hợp để thực hiện tốt các công việc tiếp theo như chấm thi, công bố điểm, đối sánh điểm thi…