Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

LHP Việt Nam lần thứ XXII: “Cuộc đua” đến Bông sen Vàng đang tới gần

PV - 14:55, 16/10/2021

Đại dịch Covid-19 khiến cho LHP Việt Nam lần thứ XXII trở thành kỳ LHP đầu tiên diễn ra trong bối cảnh vô cùng đặc biệt. Số lượng, chất lượng phim tham dự kỳ LHP sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Cuộc đua tới đích giải thưởng Bông sen Vàng sẽ thu hút những ứng cử viên nào?...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đến thời điểm này, nhiều nhà sản xuất xác nhận, dù chật vật vì đại dịch nhưng LHP Việt Nam vẫn là điểm hẹn hấp dẫn không thể bỏ qua.

Nhiều phim truyện có doanh thu cao nhất mọi thời đại

Theo Cục Điện ảnh, những khó khăn vì đại dịch đã tạo nên thách thức, khiến cho công tác tổ chức LHP Việt Nam XXII luôn trong tình trạng phải sẵn sàng xoay chuyển. Điều khiến giới làm phim và công chúng yêu điện ảnh quan tâm nhất là sẽ có những ứng viên nào bước vào cuộc đua của mùa Liên hoan đặc biệt năm nay. Đáng chú ý, trong danh sách các phim truyện tham dự, có nhiều ứng viên đã tạo những cơn “địa chấn” phòng vé, thành công rực rỡ về doanh thu. Đứng đầu là Bố già, cán mốc hơn 400 tỉ đồng ở thị trường trong nước đã giúp cho phim điện ảnh đầu tay của Trấn Thành trở thành tác phẩm phim Việt Nam có doanh thu cao nhất. Cho nên, sẽ không bất ngờ khi ở cuộc đua LHP Việt Nam XXII, các nhà sản xuất luôn xem Bố già là đối thủ đáng gờm.

Những cái tên nổi bật trên thị trường điện ảnh Việt Nam hai năm qua như Tiệc trăng máu, Ròm, Gái già lắm chiêu V, Nắng 3… cũng được xác nhận là những ứng viên đáng chú ý. Ròm Tiệc trăng máu là hai tác phẩm điện ảnh thành công rực rỡ về doanh thu được Cty CP sản xuất phim Hoan Khuê gửi tham gia dự thi. Trong đó, phim remake Tiệc trăng máu do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn, với sự tham gia của dàn diễn viên nổi tiếng như Thu Trang, Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn, Hồng Ánh, Thái Hòa, Hứa Vĩ Văn, Đức Thịnh…; ra rạp vào tháng 10.2020 trên toàn quốc và thu về 175 tỉ đồng, Tiệc trăng máu được xếp vào top các phim Việt có doanh thu cao nhất từ trước đến nay.

Ròm của Trần Thanh Huy được thực hiện dựa trên ý tưởng về số phận chênh vênh, vất vưởng của những đứa trẻ đường phố làm nghề “cò đề” và bán vé dò. Ý tưởng này được đạo diễn Trần Thanh Huy nuôi dưỡng từ phim ngắn tốt nghiệp mang tên 16:30, tác phẩm từng đoạt giải Cánh diều Vàng 2012, được trình chiếu tại Góc phim ngắn của LHP Cannes 2013 và tiếp tục đeo đuổi đạo diễn trẻ tới phim dài đầu tay. Ra rạp tháng 9.2020, Ròm lập kỳ tích doanh thu của dòng phim độc lập tại Việt Nam, với 60 tỉ đồng.

MAR6 Picture tham gia tranh giải với Gái già lắm chiêu V, xoay quanh câu chuyện của 3 chị em trong dòng họ Lý ở Bạch Trà viên xa hoa lộng lẫy. Sóng gió trong gia tộc Lý Gia với những bí mật khủng khiếp dần được hé lộ sau từng nút thắt được gỡ mở, trên hành trình tranh giành bảo vật “Phượng Hoàng tam vĩ” của gia tộc. Nếu không ra rạp cùng thời điểm với đối thủ “khủng” là Bố già, Gái già lắm chiêu V hẳn sẽ thành công nhiều hơn về doanh thu. Tuy nhiên, theo thống kê, phim cũng thu về trên 50 tỉ đồng.

Công ty TNHH TM DV Văn hóa ABC Pictures cũng đưa Đôi mắt âm dương Nắng 3 - lời hứa của cha dự thi LHP Việt Nam XXII. Đôi mắt âm dương thuộc thể loại phim kinh dị với diễn xuất của Thu Trang, Quốc Trường, Bảo Thanh. Nắng 3 - lời hứa của cha đề cao về tình phụ tử, tập trung lột tả tình cảm gia đình, tình yêu, với diễn xuất của Khả Như, Kiều Minh Tuấn, bé Ngân Chi...

Mắt biếc cũng là một ứng cử viên sáng giá. Hay Miền ký ức, bộ phim tham gia tranh giải ở hạng mục New Currents tại LHP Busan 2021 cũng sẽ góp mặt ở cuộc đua năm nay. Bên cạnh đó, Bình minh đỏ, Lính chiến, Cơn giông là ba phim truyện sử dụng ngân sách Nhà nước sẽ góp mặt tại LHP Việt Nam lần thứ XXII.

Dù diễn ra trong bối cảnh vô cùng khó khăn LHP Việt Nam XXII nhưng số lượng, chất lượng phim tham gia không hề mỏng. Đối chiếu với kỳ gần nhất là LHP Việt Nam lần thứ XXI được tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu, số phim truyện dự thi là 16, trong khi LHP Việt Nam XXII là 17 phim truyện dự thi.

LHP Việt Nam lần thứ XXII: “Cuộc đua” đến Bông sen Vàng đang tới gần 1

Điểm tên phim tài liệu về cuộc chiến chống Covid-19

Nổi bật trong những tên phim tài liệu dự thi có Ranh giới. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã trở thành cái tên đáng chú ý thời gian qua với vai trò là tác giả của phim tài liệu này. Khai thác thể loại phim tài liệu không lời bình, đạo diễn sử dụng chính hình ảnh và lời của các nhân vật để truyền tải đến khán giả những câu chuyện xúc động và thấm đẫm tính nhân văn. Ranh giới là một trong những đại diện sáng giá ở hạng mục phim tài liệu tham dự LHP.

Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương chia sẻ: “Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương mong muốn sẽ gặt hái được nhiều giải thưởng cao trong kỳ liên hoan. Sự kiện điện ảnh lớn này cũng là nơi các nhà làm phim được giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Sau mỗi kỳ LHP, các nhà sản xuất, những nghệ sĩ sẽ nhìn lại mình, để liên hoan sau có nhiều tác phẩm chất lượng hơn...”.

Theo đạo diễn Trịnh Quang Tùng, hai năm qua, do đại dịch Covid-19, nhiều phim đã bị ảnh hưởng về tiến độ và chất lượng. Tuy nhiên, các nghệ sĩ, cán bộ nhân viên Hãng phim đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và có nhiều tác phẩm được dư luận đánh giá cao. Nhiều nghệ sĩ đã dần khẳng định phong cách riêng, bộc lộ khả năng, cách tiếp cận mới và thể hiện nhiều màu sắc trong tác phẩm của mình. “Hàng loạt tác phẩm phản ánh nhiều mặt của xã hội đương đại, những bất cập của đời sống nhưng đầy ý nghĩa nhân văn, xây dựng con người Việt Nam ngày một đẹp hơn, giàu tính sáng tạo và hội nhập...”, đạo diễn Quang Tùng cho biết.

Năm 2020, khi đại dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, Hãng phim đã khẩn trương thực hiện sản xuất bộ phim Cuộc chiến không giới hạn do đạo diễn, NSƯT Nguyễn Quang Tuấn đảm nhiệm, cũng là tác phẩm tham gia tranh tài lần này. Ngoài ra, các phim tài liệu dự giải của Hãng cũng rất đa dạng, phong phú về đề tài. Phim Những ngả đường sáng tối xoay quanh câu chuyện về hiến tạng cứu người, với cách làm phim không lời bình, bám theo nhân vật đi lấy giác mạc, đạo diễn Đặng Linh và êkíp đã có những hình ảnh đắt giá với nhiều góc nhìn về một vấn đề. Đây là tác phẩm được công chúng và giới chuyên môn đánh giá cao.

Ở một đề tài khác, vấn đề sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật, Chuyện ở Pá Nó của đạo diễn Dương Ngọc Hòa cho thấy sự tàn phá của những con người vùng cao (Sơn La) đang tự huỷ hoại môi trường sống của chính mình, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cộng đồng. Đây là thông điệp đáng báo động được bộ phim chuyển tải.

Ở thể loại phim chân dung - một loại hình rất khó để làm mới và hấp dẫn, bộ phim Phạm Ngọc Thạch người thầy thuốc trọng nghĩa thương dân của đạo diễn, NSƯT Hoàng Dũng đã có một cách kể khác, khai thác kỹ, bộc lộ chi tiết mới mà chúng ta chưa biết về vị bác sĩ của nhân dân.

Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cũng gửi 5 phim khoa học: Một giải pháp mềm, Năng lượng mặt trời, Lũ miền núi, Những vùng đất hồi sinh, Ô nhiễm trắng tham gia LHP. Những bộ phim đặc biệt với nhiều đề tài phản ánh đa dạng các vấn đề mà con người đang đối mặt, hậu quả khôn lường như thiên tai, lũ lụt, ô nhiễm trắng, xử lý dioxin hay những giải pháp mềm về nuôi vịt nước mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu và vấn đề năng lượng tái tạo..., tất cả được các tác giả đầu tư công phu, nhiều sáng tạo.

LHP Việt Nam lần thứ XXII dự kiến diễn ra từ 18 - 20.11 tại TP Huế. Được biết, có 26 phim truyện gửi tham dự LHP, trong đó có 17 phim truyện dự thi. Phim tài liệu có 69 tác phẩm gửi tham dự, 36 phim dự thi, 20 phim chiếu trong chương trình toàn cảnh và 13 phim không chọn tham dự. Phim khoa học có 15 phim dự thi trên tổng số 15 phim gửi tham dự. Phim hoạt hình có 32 phim gửi tham dự, trong đó có 24 phim dự thi và 8 phim chiếu trong chương trình toàn cảnh. 

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.