Trong hệ thống nghi lễ - lễ hội của người M’nông, thì Lễ mừng mùa là một trong những lễ hội có quy mô lớn, thường được tổ chức vào mùa khô, từ tháng 1 đến 3 dương lịch, khi đã thu hoạch xong mùa màng. Đây cũng là thời điểm tốt để huy động, tập trung nhân lực, vật lực để nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi, giải trí. Đây là lễ lớn với sự tham gia của nhiều bon làng, nên phải 3 đến 5 năm mới tổ chức một lần.
Lễ cúng mừng được mùa được thực hiện nhằm cảm tạ trời đất, thần linh đã che chở, phù hộ cho bon làng có được mùa vụ no đủ. Đây là nghi lễ mang ý nghĩa, giá trị sâu sắc về tinh thần và khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gắn với thiên nhiên.
Buổi lễ diễn ra với các nghi thức truyền thống như, đón bạn, hát đối đáp, múa xoang và đánh cồng chiêng. Lễ vật cúng gồm 5 ché rượu cần, một con gà, gạo, nghệ, ớt xanh, 3 quả cà…
Sau khi cộng đồng đã tề tựu đông đủ, già làng tiến hành nghi thức cúng, cầu các thần linh chứng giám, giúp cho bon làng làm ăn phát đạt, no ấm, đoàn kết gắn bó. Khi cúng xong, già làng lấy tiết con vật hiến sinh pha rượu phết vào các vật dụng như, dao, cào, rìu, xà gạc… mời các vị tổ tiên về dự lễ mừng mùa với bà con; mong thần linh bảo vệ, phù hộ cho con cháu luôn bình an, no đủ.
Nghi lễ kết thúc khi già làng mời con trai, con gái của bon làng đánh chiêng, múa hát mừng lễ hội. Khách mời cùng với dân làng tham gia hoạt động giao lưu văn hóa dân gian, trò chơi dân gian mà các nghệ nhân của địa phương đã gìn giữ từ nhiều đời nay. Tất cả như chắt chiu, gửi gắm cả tâm tình của đồng bào, với bao tín ngưỡng, quan niệm sống, những nét văn hóa đặc trưng truyền thống của dân tộc M’nông.
Dưới đây là một số hình ảnh về Lễ hội mừng mùa của bà con M’nông Bon Pi nao