Lễ hội này mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, những điều tốt đẹp đến với bà con, xóm làng… Lễ Khai hạ còn được gọi là lễ hội cầu mùa hay mở cửa rừng bởi thường chỉ sau khi diễn ra Lễ hội, bà con mới được vào rừng hái măng, hái củi hay xuống đồng chuẩn bị cho mùa vụ mới.
Đồ tế trong Lễ Khai hạ có hàng trăm bát đĩa, lá lót bày lên hàng chục mâm cỗ đặt trên bàn thờ và trên mặt sàn nhà, miếu thờ. Mỗi mâm bày 1 chai rượu, 1 chén uống rượu, 1 bát cơm, 1 đôi đũa, 1 chiếc tăm, 1 đĩa trầu cau, 1 bát nước, 5 chiếc bánh dày, 5 tấm bánh chưng ống, một đĩa thịt gà, xôi trắng. Trên mỗi mâm đều cắm hương. Sau khi chuẩn bị xong các lễ vật để dâng cúng, thầy tế xướng lên những lời văn khấn cổ, cầu cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, nhân dân an thái.
Tiếp theo là Lễ rước kiệu Thánh từ đền ra bãi hội và rước trở về đền. Đám rước được tổ chức long trọng với cờ quạt, đồ nghi trượng cùng các vị cao niên, các vị thầy tế và toàn thể người dân trong vùng.
Trong Lễ hội Khai hạ ở Mường Bi có tục tu sửa mương Lò-con mương đảm nhiệm việc tưới tiêu cho cánh đồng lúa toàn vùng. Theo quy định, mỗi gia đình trong vùng đều cử một người tham gia vào công việc chung như: nạo vét lòng mương, lưu thông dòng chảy. Trong tiếng chiêng rộn rã, thúc giục của các giáp, mỗi người đều hăng say làm việc cho tới khi con mương được tu sửa xong. Mọi người nghỉ tay, cùng dùng cơm và bước vào phần hội với những trò chơi dân gian như bắn nỏ, kéo co, đánh cù, đánh mảng...; thi hát xắc bùa, hát đối đáp..
Lễ hội Khai hạ hiện vẫn được đồng bào Mường tổ chức hằng năm, thu hút hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh về tham dự. Đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, phát huy.
SÔNG LAM