Một mình xây căn hầm khá rộng và đồ sộ để tránh bão, ông Trang cho hay, căn hầm này xây hoàn toàn bằng đá núi, đây là loại đá “sống”, đá cuội, rất cứng và bền gần như vĩnh cửu. Hầm tránh bão ông Trang đang xây giống như cái lô cốt hay boong ke chống bom, chiều dài 8 mét, rộng 4 mét, cao 2,5 mét, tường xây dày 0,5 mét, trên trần tạm thời lợp tôn vì chưa có kinh phí. Ông cho biết, khi có điều kiện ông sẽ đổ bê tông cốt thép với bề dày 15 cm.
Nói về quá trình chuẩn bị nguyên liệu, ông Trang cho hay, ông đã tích cóp đá núi cách đây hơn 15 năm. Nếu xây xong căn hầm tránh bão này thì sẽ sử dụng khoảng 30 khối đá sống, đá cuội, 4 tấn xi măng và cát, sắt thép và hàng trăm ngày công. Ông Trang có nghề phụ hồ nên lúc nông nhàn, ông lại lặn lội vào núi, đồi, khe, suối để mang đá, cát, sỏi về nhà. Với những tảng đá nào quá nặng, ông dùng búa tạ đập ra từng tảng nhỏ để dễ mang về nhà. Cách đây mấy năm, khi có tạm đủ nguyên liệu, ông bắt đầu thiết kế, đo đạc và tự xây căn hầm tránh bão sau nhà ông.
Để xây căn hầm này, ông Trang đã một mình thi công. Nếu tính chi li, dự trù số tiền chi phí cho căn hầm ngót nghét gần 100 triệu đồng. Nói về quyết tâm xây dựng căn hầm này, ông Trang cho hay, ông và người dân vùng này đã phải đối mặt với nhiều cơn bão dữ xảy ra trên địa bàn, nhất là sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão “Xangsane” năm 2006 trên địa bàn xã Hòa Phú nên ông và gia đình quyết tâm tích cóp nguyên vật liệu để xây hầm tránh bão.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Hòa Hải cho hay, lão nông Lê Mã Thành Trang đã chứng kiến các cơn bão dữ xảy ra trên địa bàn xã, huyện… nên đã kiên trì tích cóp 15 năm trời để xây hầm tránh bão. Dẫu “hầm” này còn trong quá trình xây dựng chưa hoàn thiện nhưng khi có bão, ngoài những người trong gia đình trú ẩn còn là nơi trú ẩn của bà con hàng xóm… Đó cũng là đức tính quý báu của dân tộc Việt Nam ta: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương /Người trong một nước phải thương nhau cùng”.