Nhận diện một số khó khăn, thách thức
Theo Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, thực hiện Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi, đến nay, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, các tổ giúp việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, chỉ đạo sát sao trong việc triển khai thực hiện với mục tiêu đảm bảo tiến độ, hiệu quả của Chương trình.
Tuy nhiên, đây là chương trình MTQG mới có rất nhiều nội dung hỗ trợ cho đồng bào các DTTS và miền núi, với nguồn vốn đầu tư rất lớn, trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh cũng đang gặp khá nhiều khó khăn vướng mắc. Cụ thể phải kể đến:
Căn cứ vào Quyết định 1227/QĐ-TTg ngày 17/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2015. Tỉnh Lào Cai có 02 dân tộc thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù (dân tộc Bố Y, dân tộc Lô Lô) sinh sống tại 18 thôn, 6 xã thuộc huyện Mường Khương.
Dân tộc rất ít người của toàn tỉnh Lào Cai là: 376 hộ, 1.684 khẩu (Bố Y: 276 hộ, 1.121 khẩu; Lô Lô: 2 hộ, 7 khẩu), trong đó có 188 hộ nghèo thuộc đối tượng được đầu tư theo Tiểu dự án 1 của Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Dân tộc Bố Y là một trong những dân tộc thiểu số ít người nhất ở miền Bắc Việt Nam. Ở tỉnh Lào Cai, họ tập trung cư trú chủ yếu ở các xã Thanh Bình, xã Nậm Chảy, xã Tả Gia Khâu, xã Lùng Khấu Nhin, thị trấn Mường Khương và xã Tung Chung Phố - huyện Mường Khương; họ chủ yếu sống đan xen cùng các dân tộc khác trên địa bàn, không có thôn, xã của dân tộc Bố Y sinh sống độc lập thành một làng bản riêng.
Hiện nay, do sự giao lưu về nhiều mặt văn hoá, kinh tế với các dân tộc khác, ngôn ngữ của người Bố Y bị mai một và cho đến nay chỉ còn lại rất ít vốn ngôn ngữ của dân tộc, thay vào đó là tiếng Quan Hỏa. Văn hoá của người Bố Y giờ đây tuy vẫn giữ được những nét đặc thù riêng của mình trong nếp sống và sinh hoạt, song ít nhiều đã có sự ảnh hưởng, pha tạp của một số nét sinh hoạt văn hoá với các dân tộc khác (dân tộc Nùng, Dao, Pa Dí, Phù Lá); các làn điệu dân ca cổ, các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của người Bố Y còn lưu lại rất ít (chỉ còn một vài người biết). Trang phục cổ (trang phục gốc) cũng mai một.
Kinh tế chủ yếu của người Bố Y là sản xuất nông nghiệp nương rẫy và chăn nuôi, ngoài ra cũng có một số nghề thủ công khác như: mây tre đan, đồ mộc. Cuộc sống kinh tế - xã hội của người Bố Y gặp rất nhiều khó khăn, cần được Nhà nước quan tâm hỗ trợ.
Năm 2022, tỉnh Lào Cai được Trung ương giao: Vốn sự nghiệp: 19,565 tỷ đồng, tỉnh đã phân bổ được 7,097 tỷ đồng (hỗ trợ cho nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù với các nội dung: Hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế, bảo tồn, y tế); còn 12,468 tỷ đồng chưa phân bổ được, do Ủy ban Dân tộc chưa có hướng dẫn hỗ trợ đối với nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, một số nội dung mặc dù đã phân bổ vốn những cũng khó thực hiện và giải ngân được trong năm 2022, do chưa có hướng dẫn và định mức kinh tế kỹ thuật để xây dựng đơn giá và dự toán chi. Bên cạnh đó, vốn đầu tư: 23,934 tỷ đồng, tỉnh chưa triển khai thực hiện được do chưa có danh sách thôn có đồng bào DTTS rất ít người sinh sống tập trung. Để triển khai và giải ngân nguồn vốn của Chương trình năm 2022 tỉnh Lào Cai điểu chỉnh vốn đầu tư từ dự án 9 sang thực hiện Dự án 4 và Dự án 5, khi có hướng dẫn tỉnh sẽ trả lại nguồn để thực hiện dự án 9 để bảo đảm thực hiện mục tiêu của dự án trong cả giai đoạn.
Sang năm 2023, Trung ương phân bổ thực hiện Dự án là 84,664 tỷ đồng, trong đó: Vốn đầu tư là: 31, 965 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 52, 699 tỷ đồng; chưa phân bổ 45,829 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm này, tỉnh Lào Cai chưa giải ngân được, do đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể: Bộ Tài chính quyết định phân vốn sự nghiệp năm 2022 cho các địa phương theo từng lĩnh vực, dự án (Y tế, Giáo dục, Văn hóa, hoạt động kinh tế…), nhưng nhiều nội dung chưa phù hợp với nhiệm vụ chi của địa phương nên khó khăn cho việc triển khai thực hiện. Trung ương chưa ban hành danh sách thôn có đồng bào DTTS rất ít người sinh sống tập trung được thụ hưởng chính sách đầu tư; chưa hướng dẫn nội dung thực hiện mô hình nâng cao chất lượng dân số đối với thôn có đông đồng bào DTTS rất ít người; chưa hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất theo hình thức đầu tư có thu hồi, đối với nhóm dân tộc còn khó khăn (Mông, Hà Nhì, Phù Lá, La Chí…).
Hơn nữa, theo quy định, nội dung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa như: dạy tiếng dân tộc theo hình thức truyền khẩu, truyền dạy văn hóa, khảo sát, sưu tầm để đặt hàng các đơn vị sự nghiệp thực hiện thì phải xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, làm căn cứ để xây dựng đơn giá chính thức và dự toán chi tiết thực hiện, việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cũng rất khó khăn. Hiện nay, Sở Văn hóa - Thể thao mới đang trình UBND tỉnh phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật. Để triển khai đầy đủ các thủ tục quy trình trên cùng với việc thời gian thực hiện kế hoạch năm thì chỉ còn hơn một tháng. Như vậy, khả năng để giải ngân trong năm là khó thực hiện được.
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn
Để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, ngành, địa phương đã quyết liệt vào cuộc. Tỉnh thường xuyên họp, nắm tiến độ, thực hiện từng phần việc với phương châm “không chờ chung, dễ làm trước, khó làm sau, linh hoạt trong phân bổ các nguồn vốn, phân kỳ thực hiện các công việc”.
Tỉnh Lào Cai cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc có hướng dẫn cụ thể đối với một số nội dung liên quan, trong đó tập trung hướng dẫn xây dựng mô hình nâng cao chất lượng dân số tại thôn có đông đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù sinh sống tập trung. Năm 2022 tỉnh Lào Cai còn 12,468 tỷ đồng, năm 2023 còn 45,829 tỷ đồng chưa phân bổ cho các địa phương thực hiện, do chưa có hướng dẫn thực hiện chính sách với nhóm dân tộc này.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc ban hành danh sách thôn có dân tộc khó khăn đặc thù (dân tộc rất ít người) sinh sống tập trung được đầu tư cơ sở hạ tầng.
Riêng đối với nhóm dân tộc còn khó khăn, cần thống nhất danh sách dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, để địa phương có cơ sở thực hiện. Đồng thời, định mức một hộ chỉ được vay khoảng 8 triệu đồng/5 năm là không khả thi, do đó, đề nghị Trung ương nghiên cứu Chính sách đầu tư phù hợp, chẳng hạn cho các đối tượng này được hưởng chính sách quy định tại Dự án 3, ngoài ra còn được vay thêm chính sách này.
Ngoài ra, tỉnh đề nghị Ủy ban Dân tộc báo cáo Chính phủ cho dân tộc Bố Y của tỉnh Lào Cai được hưởng chính sách không phân theo xã khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn như hiện nay. Lý giải về đề nghị này, tỉnh Lào Cai cho biết, dân tộc Bố Y ở tỉnh có rất ít người, toàn tỉnh có 376 hộ, 1.684 khẩu. Tuy nhiên theo Quyết định 1227/QĐ-TTg, tỉnh Lào Cai chỉ có 278 hộ, 1.128 khẩu thuộc diện được hưởng chính sách, còn 98 hộ, 556 khẩu không được thụ hưởng chính sách do các hộ này sinh sống ở các xã khu vực I (xã hoàn thành nông thôn mới) nhưng có mức sống không có khác biệt đáng kể so với những hộ sinh sống ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn.
Trong thời gian tới, Lào Cai cũng đề xuất cho phép tỉnh được xây dựng làng văn hóa dân tộc Bố Y điểm (tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) nhằm phát huy, bảo tồn những nét đẹp văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế nâng cao đời sống người dân tộc Bố Y. Đặc biệt, tỉnh đề xuất thêm về tiêu chí xác định thôn có đông đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2030.
Tỉnh Lào Cai mong muốn Ủy ban Dân tộc sớm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn để địa phương triển khai hiệu quả các chính sách được Nhà nước đầu tư./.