Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lào Cai: Dồn sức phòng, chống rét đậm, rét hại

Trọng Bảo - 17:18, 12/01/2021

Trong những ngày gần đây, nền nhiệt độ trên địa bàn tỉnh Lào Cai giảm sâu, nhiều khu vực đã xuất hiện băng giá, mưa tuyết. Trong đó, tại thị xã Sa Pa, nơi được coi là “rốn rét” của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chuyên môn cũng như người dân đang tích cực triển khai các biện pháp chống rét, hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại của rét đậm, rét hại đến sức khỏe Nhân dân và sản xuất...

Những hộ khó khăn chưa thể làm chuồng trại được vận động di chuyển đàn trâu xuống vùng thấp tránh rét
Những hộ gia đình khó khăn chưa thể làm chuồng trại phải di chuyển đàn trâu xuống vùng thấp tránh rét

Gần 2 tuần nay, nền nhiệt độ trên địa bàn thị xã Sa Pa liên tục giảm khiến cho thời tiết rét đậm, rét hại, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân.

Sáng ngày 11/1, dọc tuyến Quốc lộ 4D đoạn từ TP. Lào Cai lên thị xã Sa Pa, gió thổi ào ào kèm theo mưa nhỏ và sương mù dày đặc, nhiệt độ là 00C, khiến cho cái rét như “cắt da cắt thịt”. Hai vợ chồng anh Má A Vàng ở thôn Má Cha ở tổ 2 phường Hàm Rồng đang khẩn trương gia cố, che chắn lại chuồng trâu của gia đình để bảo đảm giữ ấm cho 3 con trâu - tài sản lớn của cả gia đình.

“Để giữ ấm cho trâu, nhà mình phải làm chuồng cách xa nhà, vì ở đây khuất gió. Mấy ngày hôm nay trời rét quá, mình phải mua thêm bạt, đóng thêm mấy tấm ván này để giữ cho trâu được ấm”.

Ông Lương Đức Quang, cán bộ khuyến nông ở đây thông tin: Cả tổ 2, phường Hàm Rồng có 71 hộ chăn nuôi gia súc, với 257 con trâu, chiếm 60% số gia súc toàn phường. “Thời gian qua, chúng tôi đã tăng cường tuyền truyền, vận động bà con chủ động gia cố chuồng trại, giữ ấm cho đàn gia súc. Hiện, trên địa bàn có 95% số hộ đã làm chuồng trại kiên cố, bảo đảm chống rét cho gia súc trong mùa Đông”.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế, đến thời điểm này, thị xã Sa Pa có hơn 4.500 hộ chăn nuôi trâu, bò với hơn 13 nghìn con. Ðể phòng, chống rét cho đàn gia súc, cấp ủy, chính quyền địa phương, phòng chức năng đã chỉ đạo các xã tăng cường kiểm tra, vận động bà con nông dân làm chuồng trại kiên cố, bảo đảm che chắn gió, rét. Bà Trần Thị Lan Hương, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cho biết: Trước đây, đồng bào DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa thường có thói quen thả rông gia súc trong rừng, đến mùa cần cày ruộng mới lên rừng dẫn trâu về nhà. Vì thế, vào mùa Đông, khi gặp rét đậm rét hại, băng tuyết là trâu chết rét nhiều, do bị đói và rét, sức đề kháng giảm.

“Trước thực trạng này, chúng tôi chỉ đạo cán bộ chuyên môn của đơn vị, cán bộ khuyến nông tăng cường bám thôn bản, vận động người dân làm chuồng trại, nuôi nhốt gia súc. Cùng với đó, thị xã cũng bố trí kinh phí hỗ trợ tiền mua vật liệu, với định mức 2 triệu đồng/hộ nghèo để bà con làm chuồng trại. Nhiều nơi, bà con đã có cách làm sáng tạo phù hợp với điều kiện, tập quán như tại xã Tả Phìn, đồng bào dân tộc Mông có sáng kiến lập tổ đổi công, sử dụng đất tại chỗ để làm chuồng gia súc, vừa ấm về mùa Đông, mát về mùa Hè.

Với tinh thấn quyết liệt, bám sát cơ sở, đến nay toàn thị xã Sa Pa đã có 91% số hộ chăn nuôi đã có chuồng trại, cơ bản chấm dứt tình trạng thả rông gia súc. Cùng với đó, gần 3 nghìn hộ chăn nuôi đã biết dự trữ thức ăn cho gia súc, trong đó có khoảng 40% số hộ chủ động dự trữ được nguồn thức ăn cho đàn gia súc của gia đình. Số hộ còn lại, chúng tôi đã và đang lập các tổ công tác, tích cực vận động và hướng dẫn người dân tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để dự trữ thức ăn cho gia súc. Với những hộ quá khó khăn thì hướng dẫn bà con di chuyển đàn trâu, bò xuống vùng thấp tránh rét”, bà Hương nhấn mạnh.

Người dân chủ động che chắn chuồng trại, chủ động thức ăn dự trữ cho trâu bò trong thời tiết giá rét
Người dân chủ động che chắn chuồng trại và thức ăn dự trữ cho trâu bò trong thời tiết giá rét

Trong những ngày này, do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, lượng bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa tăng hơn nhiều so với ngày thường. Để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân, Bệnh viện Đa khoa thị xã đã phải kê têm tổng số gần 300 giường bệnh (quy mô ngày thường là 155 giường bệnh). Bác sĩ Trần Xuân Quý, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Trong một tuần trở lại đây, mỗi ngày bệnh viện đón bình quân gần 200 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong đó, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ với các bệnh chủ yếu  về hô hấp, đột quỵ, tim mạch…

“Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt như hiện nay,chúng tôi khuyến cáo người dân tăng cường giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, giữ vệ sinh cơ thể, nhà cửa để phòng, chống các bệnh mùa lạnh”, bác sĩ Quý nhấn mạnh.

Để phòng, chống rét, bảo đảm sức khỏe cho người dân, tỉnh Lào Cai ưu tiên tập trung cho đối tượng học sinh, người già và trẻ nhỏ. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học chủ động hướng dẫn biện pháp phòng, chống rét cho học sinh; nhắc nhở các em học sinh mặc đủ ấm, không bắt buộc phải mặc đồng phục vào những ngày quá rét; không tổ chức hoạt động ngoài trời khi rét đậm, rét hại.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, tính đến ngày 11/1, đã có 312/612 số trường học với tổng số 112.898 học sinh ở 9/9 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh cho học sinh nghỉ học để tránh rét.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.