Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai (LĐTB&XH), mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn vụ tai nạn thương tích trẻ em xảy ra. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 411 trẻ em bị tai nạn, thương tích; trong đó, có 4 em bị tử vong do đuối nước và tai nạn khác. Điều này cho thấy, tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ em đang ở mức báo động.
Mới đây, vào ngày 7/6 khi cùng bố đi câu cá ở suối Chợ Chậu, thôn Cốc Phúng, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, trong lúc chơi đùa, do sơ suất, 2 cháu bé là chị em ruột bị trượt chân ngã xuống suối và bị nước cuốn trôi.
Đặc biệt mới đây xảy ra vụ việc đau lòng tại điểm trường bản Phung, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn. Trong lúc vui chơi, một nhóm trẻ đu nghịch trên cánh cổng trường, bất ngờ cánh cổng đổ sập xuống khiến 3 em học sinh tử vong tại chỗ, 3 em khác bị thương… Điều này cho thấy, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích có thể xảy ra bất cứ nơi đâu, từ ở nhà, trường học, trong cộng đồng…
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Lào Cai cho biết: UBND tỉnh Lào Cai cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng, tổ chức các hoạt động tại địa phương. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền trực tiếp tại địa bàn các địa phương; đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em; phối hợp với các trường tổ chức truyền thông về kiến thức, Luật Giao thông, phòng chống tai nạn giao thông, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em...
Đồng thời, triển khai thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” nhằm loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em tại các gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Tuy nhiên, những năm qua, số vụ tai nạn thương tích xảy ra đối với trẻ em trên địa bàn vẫn còn cao. Theo bà Minh, có một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, đó là: Môi trường, địa hình miền núi phức tạp, nhiều núi cao, sông suối, ao hồ; vào mùa mưa thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại về người và tài sản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn còn thiếu các điểm vui chơi an toàn cho trẻ, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa... Chính vì vậy, trẻ thường vui chơi tự phát dẫn đến khó kiểm soát, quản lý... “Đặc biệt, cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn sao nhãng trong quá trình chăm sóc trẻ, nhất là ở các thôn bản vùng cao, vùng DTTS. Không chỉ vậy, người chăm sóc trẻ còn thiếu các kiến thức cơ bản về bảo vệ, chăm sóc trẻ nói chung và phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em nói riêng.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, để hạn chế tai nạn thương tích và tử vong ở trẻ, cần có sự chung tay, quan tâm của tất cả các cấp, các ngành và cộng đồng. Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt liên quan đến trẻ em. Coi đây là việc làm thường xuyên của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể và mỗi người dân trong cộng đồng; bảo đảm 100% hộ gia đình, trường học, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em được tuyên truyền kiến thức phòng, chống tai nạn thương tích.
Để hạn chế tai nạn thương tích và tử vong ở trẻ, cần có sự chung tay, quan tâm của tất cả các cấp, các ngành và cộng đồng. Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt liên quan đến trẻ em.”
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội