Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làng trẻ giữa đại ngàn

Khánh Ngân - 20:00, 15/07/2021

Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) ở Quảng Bình đã góp phần làm nên những chiến công hiển hách. Trong thời kỳ đổi mới, TNXP Quảng Bình một lần nữa là đội ngũ đi đầu trong lập thân, lập nghiệp, dựng xây nên những “làng trẻ” giàu có giữa đại ngàn.

Mô hình trồng hồ tiêu theo tiêu chuẩn Ấn Độ của Tổng đội TNXP tỉnh Quảng Bình
Mô hình trồng hồ tiêu theo tiêu chuẩn Ấn Độ của Tổng đội TNXP tỉnh Quảng Bình

Làm giàu từ rừng hoang

Theo chỉ đường của Tổng đội Trưởng Tổng đội TNXP tỉnh Quảng Bình Hồ Đức Phong, chúng tôi tìm về Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) Trường Xuân, xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) vào những ngày giữa tháng 7. Từ thị trấn Quán Hàu, ngược lên hướng Tây, cắt đường mòn Hồ Chí Minh, tiếp tục ngược Trường Sơn lên “làng trẻ”. Sau 13 năm thành lập, “làng trẻ” Trường Xuân giờ đây đã khác xưa nhiều lắm.

Từ một vùng rừng núi hoang vu, hiện Làng TNLN Trường Xuân đã trở thành một khu dân cư trẻ. Cơ sở hạ tầng được quy hoạch và xây dựng khá hoàn chỉnh, có điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt.

Làng TNLN Trường Xuân được thành lập vào năm 2008. Đến 2013 thì hoàn thành sứ mệnh xây dựng “làng trẻ” lập nghiệp với cơ sở vật chất đồng bộ, đời sống các đội viên phát triển nhanh, bền vững.

Hiện toàn “làng trẻ” có 58 hộ gia đình sinh sống. Nhiều mô hình kinh tế hộ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa đã hình thành, như: mô hình nuôi gà sao, mô hình trồng cây phật thủ, mô hình nuôi dúi sinh sản...

 Ở “làng trẻ” cũng hình thành nên ngành công nghiệp là trồng và chế biến tinh dầu sả. Theo thống kê, hiện thu nhập bình quân của làng đạt 150 - 180 triệu đồng/hộ/năm; nhiều gia đình còn có thu nhập cao hơn.

Nhớ lại thời gian năm 2009, khi mới lên đây lập nghiệp, chị Trần Thị Liễu chia sẻ: Trước đây, khu vực này là rừng núi hoang vu, đất đai bỏ không. Khi Tỉnh Đoàn có chủ trương thành lập Làng TNLN, chị đã làm đơn tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới. 

"Hồ sơ được Tỉnh Đoàn xem xét kỹ lắm, phải có lý lịch trong sáng, đoàn viên ưu tú, hay bộ đội xuất ngũ mới được duyệt cho đi. Tôi may nắm được chọn về làng để lập nghiệp”, chị Liễu nói.

Lên Làng TNLN, bằng lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, mạnh dạn đầu tư công sức và trí tuệ, chị Liễu đã gây dựng được cơ sở sản xuất dầu sả có đầu ra ổn định. Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, cơ sở của chị Liễu còn bao tiêu sản phẩm cho những hộ trồng sả ở làng. Sự nhiệt huyết, hăng say của tuổi trẻ đã biến vùng rừng núi hoang sơ thành một “làng trẻ” năng động kinh tế phát triển. 

Khi thấy đội viên “làng trẻ” nuôi gà, trồng sả…. cho hiệu quả kinh tế cao, người Bru - Vân Kiều cũng làm theo. Không biết từ khi nào, bà con người Bru -Vân Kiều cũng năng động, khá lên theo Làng TNLN.

Đội viên Trần Văn Sỹ, ở Làng TNLN Quảng Châu, xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch chăm sóc dưa lưới
Đội viên Trần Văn Sỹ, ở Làng TNLN Quảng Châu, xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch chăm sóc dưa lưới

Phát huy tinh thần xung kích

Từ hiệu quả của Làng TNLN Trường Xuân, năm 2014, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục quyết định thành lập Làng TNLN Quảng Châu, ở xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch. “Làng trẻ” Quảng Châu tiếp nhận 100 hộ gia đình trẻ lên lập làng, lập nghiệp. 

Trong đó, làng bố trí 20 hộ đội viên TNXP, sắp xếp giãn dân xã Quảng Châu là 10 hộ. Còn lại 70 hộ là tuyển thanh niên đủ điều kiện trên địa bàn xã Quảng Châu và thanh niên ở các địa phương khác đến lập nghiệp.

Khi được lựa chọn về Làng TNLN Quảng Châu, mỗi gia đình đội viên được cấp đất ở, đất vườn khảng 3.000m2 và 2ha đất sản xuất để phát triển kinh tế. Ngoài ra còn được hỗ trợ 20 đến 22 triệu đồng để làm nhà ở tùy theo diện đội viên; đồng thời được hỗ trợ một giếng vừa lấy nước sinh hoạt vừa phục vụ tưới cho cây trồng.

Ở Làng TNLN Quảng Châu, những mô hình kinh tế như trồng dưa lưới, trồng tiêu theo công nghệ Ấn Độ đã được triển khai. Nhà lưới trồng dưa là mô hình của Tổng đội TNXP xây dựng, khi thành công và có hiệu quả sẽ tiến hành chuyển giao cho các gia đình đội viên để phát triển kinh tế.

Vừa nhanh tay cắt bỏ những lá dưa ngả vàng trong mô hình nhà lưới, đội viên Trần Văn Sỹ chia sẻ : “Nếu mà dễ, thuận lợi thì ai làm mà chẳng được. Mình là đội viên TNXP làm kinh tế mới, là phải đi đầu, dám đương đầu với vất vả khó khăn khi đó thành công mới xứng đáng”. 

Theo ông Hồ Đức Phong, Tổng đội Trưởng Tổng đội TNXP tỉnh Quảng Bình, mô hình trồng dưa lưới Tổng đội xây dựng có diện tích khoảng 500m2, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 30 triệu đồng. Ngoài ra, Tổng đội đang tiến hành xây dựng mô hình trồng cây hồ tiêu theo công nghệ của Ấn Độ, hiện nay cây hồ tiêu đang phát triển rất tốt.

"Với sự nỗ lực, ý chí quyết tâm của mỗi đoàn viên thanh niên đến lập nghiệp, rồi đây vùng quê sơn cước đang ẩn mình giữa cây rừng, gió núi sẽ thay da đổi thịt bừng lên  sức sống mới", ông Phong khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.