Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làng “trầu tiến vua” hối hả vào vụ Tết

Khánh Ngân - 16:16, 16/01/2022

Tương truyền là trầu “tiến vua” được mọi người săn mua kỳ được để làm đồ lễ ngày Tết. Cũng vì thế, những ngày cận Tết làng Văn Sơn xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh trở nên nhộn nhịp người bán, kẻ mua. Đặc biệt các hộ rồng trầu cũng phấn khởi trông chờ một cái Tết sung túc hơn.

Những vườn “trầu tiến vua” được người dân chăm sóc kỹ lưỡng để phục vụ nhu cầu trong những ngày Tết.
Những vườn “trầu tiến vua” được người dân chăm sóc kỹ lưỡng để phục vụ nhu cầu trong những ngày Tết.

Đôi bàn tay vẫn thoăn thoắt luồn trên những dây trầu để hái lá, Chị Ngô Thị Châu (làng Văn Sơn) cười phấn khởi: “Vườn trầu nhà tôi đã có hàng chục người đến đặt hàng. Để đáp ứng đủ số lượng hàng lớn vào đợt cao điểm, gia đình cũng phải lên kế hoạch thu hái 2 ngày 1 lần, chú ý cách hái đúng kỹ thuật để đảm bảo chất lượng lá trầu cho khách”.

Bên kia vườn, ông Phạm Công Nhớ đang cùng các thành viên trong gia đình nhanh tay hái trầu để kịp giao cho thương lái. Ông Nhớ trồng hơn 360 gốc trầu. Dịp gần Tết, vườn trầu của ông cho thu nhập từ 2 triệu đồng đến gần 3 triệu đồng/ngày. Dù đã huy động tối đa các thành viên trong gia đình hái trầu nhưng cũng không đủ giao cho thương lái và người dân đến tận vườn “săn” trầu.

Thôn Văn Sơn những ngày này, trên ngõ xóm, đường làng tiểu thương nườm nượp đến đặt trầu, lấy hàng. Chị Nguyễn Thị Hà - chuyên kinh doanh trầu cau tại chợ TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Trầu không ở xã Đỉnh Bàn nổi tiếng thơm ngon với lá trầu dày, vị cay nồng đặc trưng. Tương truyền là “trầu tiến vua” nên nhiều người ưa chuộng, nhiều người đã bỏ công tìm đến tận vườn mua cho kì được. Tết đến nhu cầu trầu tăng cao, tôi đã liên hệ vài chủ vườn để nhập hàng cung ứng cho Nhân dân”.

Bà Nguyễn Thị Phú (làng Văn Sơn) đang kiểm tra vườn trầu trước khi nhận đơn đặt hàng của khách
Bà Nguyễn Thị Phú (làng Văn Sơn) đang kiểm tra vườn trầu trước khi nhận đơn đặt hàng của khách

Không khí sôi động nhất của mùa vụ trầu Tết là từ ngày 24-28 Tết. Trầu cứ thu hoạch đến đâu là có người thu mua tận vườn đến đó. Mỗi ngày, có hàng chục thương lái ở khắp các tỉnh Miền Trung tìm đến Văn Sơn mua trầu. Những năm gần đây, thị trường và thương lái của “trầu tiến vua” không ngừng được mở rộng. Cũng vì thế mà người dân ở làng Văn Sơn và vùng phụ cận đã chủ động trồng xen kẽ giữa lớp trầu lâu năm lẫn trầu tơ để tăng sản lượng lá trầu.

Văn Sơn là một trong những làng trồng trầu hiếm hoi ở nước ta được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là Nghề truyền thống. Nghề trồng trầu đã xuất hiện ở làng Văn Sơn từ lâu đời, tuy nhiên khoảng 10 năm trở lại đây, do mở rộng được thị trường, trầu ở Văn Sơn có đầu ra ổn định, người dân lại mở rộng diện tích trồng trầu.

Hiện tại, diện tích trồng trầu của toàn xã Đỉnh Bàn hơn 2,5 ha, chủ yếu tập trung ở thôn Vân Sơn với hơn 200 hộ gia đình. Về làng quê những ngày cuối năm sẽ dễ dàng bắt gặp nụ cười của người dân hái trầu, những người phụ nữ cùng ngồi quanh đống trầu để xếp, phân loại lá. Sau đó, đếm cho thương lái chở đi những nơi xa để tiêu thụ như: Chợ TP Hà Tĩnh, chợ Vườn Ươm (TP Hà Tĩnh) và các tỉnh lân cận.

Ông Phạm Công Nhớ tự hào bên danh hiệu “Làng nghề truyền thống”
Ông Phạm Công Nhớ tự hào bên danh hiệu “Làng nghề truyền thống”

Trồng “trầu tiến vua” cũng lắm công đoạn, từ chọn đất, cắm choái, che gió đều được thực hiện một cách tỉ mẩn. Đất trồng trầu không được ngập nước, nhưng cũng không thể thiếu nước. Bước đầu tiên, phải cuốc đất lên rồi xới cho nhuyễn, lên luống và rải phân, sau đó đóng cọc làm choái để làm chỗ dựa cho cây trầu leo lên. Khi thời tiết nắng nóng hoặc gió nhiều thì làm giàn che bóng mát, che gió và kết hợp với tưới nước, bón phân thì cây trầu sẽ phát triển tốt. Ngoài ra, chủ động ủ gốc để giữ ấm cho cây. Điều đặc biệt, để có lá trầu dày, khi ăn có vị cay nồng, thơm thì chỉ có đất ở làng Văn Sơn đảm bảo.

Hiện nay, xã Đỉnh Bàn đã thành lập tổ Hợp tác xã trầu không “tiến vua”. Để khuyến khích sản xuất, xã hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ, máy bơm nước, vòi tưới,… để người dân đầu tư trồng trầu đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển kinh tế hộ gia đình. Cùng với chủ trương khuyến khích mở rộng diện tích trầu của địa phương; người dân trồng xen dặm để tăng sản lượng lá trầu...  

                                                                                        

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.