Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tin tức

Làng Thanh niên lập nghiệp - Những điều trông thấy

PV - 14:45, 22/03/2019

Từ năm 2020, Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) sẽ dừng triển khai; các làng đã kết thúc giai đoạn đầu tư sẽ được giao về cho chính quyền địa phương quản lý. Nhưng khi trở thành đơn vị hành chính của xã, các Làng TNLN lại “chênh vênh” hơn bao giờ hết…

Bài 2: Dự án khép lại, khó khăn mở ra

Khi “làng” thành “xóm”…

Theo báo cáo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Dự án Làng TNLN ở các xã biên giới, địa bàn ĐBKK được triển khai từ năm 2001, đến nay đã thực hiện được 32 Dự án. Trong đó có 21 Dự án đã hết giai đoạn đầu tư; được chuyển giao về chính quyền địa phương quản lý hoặc giao cho các Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Tỉnh đoàn các tỉnh. Nhưng dù “giao cho bên nào” thì Làng TNLN vẫn đang tồn tại nhiều vướng mắc.

Xóm Lập Nghiệp được chuyển giao về cho UBND xã Lý Quốc từ tháng 11/2017 và trên cổng chào vẫn gắn Huy hiệu Đoàn!. Ảnh chụp ngày 16/3/2019. Xóm Lập Nghiệp được chuyển giao về cho UBND xã Lý Quốc từ tháng 11/2017 và trên cổng chào vẫn gắn Huy hiệu Đoàn!. Ảnh chụp ngày 16/3/2019.

Như ở Làng TNLN biên giới Lý Quốc, xã Lý Quốc (Hạ Lang, Cao Bằng), từ tháng 11/2017, Làng được chuyển giao về xã quản lý, mang tên xóm Lập Nghiệp. Nhưng từ năm 2012, Làng đã kết thúc giai đoạn đầu tư; có nghĩa là trong 5 năm (2012-2017), Làng “chênh vênh” trong khâu quản lý giữa một bên là Dự án của Tỉnh đoàn với một bên là một cụm dân cư thuộc xã Lý Quốc.

Sự “chênh vênh” này thể hiện rõ nhất là việc nắm tình hình dân cư. Dù xóm Lập Nghiệp đã được thành lập trên cơ sở tiếp nhận Làng TNLN biên giới Lý Quốc hơn một năm nay (chính thức từ ngày 17/11/2017) nhưng cả Bí thư Chi bộ cũng như Trưởng xóm Lập Nghiệp đều không biết trong xóm có bao nhiêu hộ nghèo; xóm có bao nhiêu hộ ở thường xuyên cũng không rõ.

Cũng như việc chuyển Làng TNLN thành đơn vị hành chính thuộc xã, việc giao các Dự án Làng về cho các Tổng đội TNXP cũng nhiều vấn đề đáng bàn. Tổng đội TNXP là mô hình khai hoang, xây dựng kinh tế mới, không có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); nhưng lại có thẩm quyền cấp đất sản xuất cho các hộ bởi diện tích Dự án giao cho các Làng đã được địa phương thu hồi để triển khai.

Vì vậy, ở không ít các Dự án Làng TNLN do Tổng đội TNXP quản lý, các gia đình dù có đất sản xuất, đất ở nhưng không có sổ đỏ. Đây là rào cản khiến nhiều gia đình ở các Làng TNLN không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng để đầu tư mở rộng sản xuất.

Tháo gỡ khó khăn bằng cách nào?

Sự “chênh vênh” ở Làng TNLN sau khi kết thúc giai đoạn đầu tư là một thực tế. Nhưng đằng sau đó còn ngổn ngang nhiều lo toan cho cuộc sống của các gia đình đã qua tuổi thanh niên đang nỗ lực bám trụ ở các Dự án này.

Vốn dĩ, khi tham gia các Dự án Làng TNLN, các gia đình thanh niên ở biên giới, địa bàn ĐBKK được thụ hưởng nhiều cơ chế chính sách. Đầu tiên là từ nguồn của Dự án xây dựng làng thanh niên, các hộ được cấp đất ở, đất sản xuất, được hỗ trợ kinh phí xây nhà. Ngoài ra, các hộ còn được được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ sản xuất (về cây, con giống, vật tư…), hỗ trợ vay vốn chính sách dành cho đối tượng vùng ĐBKK, địa bàn biên giới...

Nhưng khi các Dự án Làng TNLN hết chu kỳ đầu tư, chuyển giao về cho địa phương quản lý thì thế nào?

Lấy thực trạng ở xóm Lập Nghiệp của xã Lý Quốc (Hạ Lang, Cao Bằng) để làm dẫn chứng. Từ tháng 11/2017, xóm Lập Nghiệp được thành lập trên cơ sở tiếp nhận Làng TNLN biên giới Lý Quốc, cả về con người lẫn cơ sở hạ tầng (Theo kiểm đếm thì xóm tiếp nhận 45 hộ, 148 nhân khẩu, 3 dãy nhà ban quản lý, hệ thống đường, điện, nước sinh hoạt và các công trình phụ...).

Nhưng đó là trên giấy tờ, còn thực tế xóm Lập Nghiệp hiện chỉ có 26 hộ sinh sống. Số hộ còn lại (19 hộ) lại “chân trong chân ngoài”, tức là vừa có nhà ở xóm Lập Nghiệp nhưng vẫn sinh sống ở địa phương (nơi ở trước khi đăng ký vào Làng TNLN biên giới Lý Quốc-Pv). Vậy khi xóm Lập Nghiệp chính thức trở thành đơn vị hành chính của xã Lý Quốc, việc xác định hộ khẩu của 19 hộ này thế nào để được thụ hưởng các cơ chế, chính sách?

Đây là vấn đề mấu chốt bởi hầu hết các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo ở địa bàn biên giới, ĐBKK đều căn cứ vào hộ khẩu; nếu không xác định được thì nhiều gia đình thiệt thòi, nếu xác định không đúng thì chính quyền địa phương sẽ dễ sai sót khi triển khai chính sách. Thậm chí có tình trạng có những gia đình dù có tên trong danh sách đăng ký hộ khẩu ở Làng TNLN nhưng lại không sinh sống.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho rằng, triển khai Dự án Làng TNLN, thực tế vẫn còn những chỗ, những nơi chưa phát huy hiệu quả. Vì vậy, Trung ương Đoàn đang tích cực phối hợp với các địa phương khảo sát, đánh giá để bố trí lại dân cư cho phù hợp, phát huy hiệu quả của các Dự án Làng.

Việc tiến hành đánh giá, khảo sát lại thực trạng để định vị những “lỗ hổng” ở các Dự án Làng TNLN hiện nay là rất cần thiết để có giải pháp tháo gỡ. Hiện nay, các Dự án này dù được xác định là đã “kết thúc sứ mệnh ban đầu”, được chuyển giao về cho chính quyền địa phương hay cho các Tổng đội TNXP nhưng thực tế vẫn đang mang “Huy hiệu Đoàn”, vẫn cần được tổ chức Đoàn các cấp lưu tâm.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Những thiệt hại đầu tiên do hoàn lưu bão số 4 gây ra ở Nghệ An

Những thiệt hại đầu tiên do hoàn lưu bão số 4 gây ra ở Nghệ An

Mưa lớn nhiều ngày do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 đã khiến cho nhiều vùng đất ở Nghệ An ngập úng cục bộ. Khu vực miền núi đã xuất hiện sạt lở. Đáng chú ý, đã có thiệt hại về người và tài sản vì mưa lũ.