Xóa nghèo trên “đỉnh núi đói”Xã Na Ngoi cách thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn, Nghệ An) 67km, nằm dưới chân núi Pu-xai-lai-leng (tiếng Thái, nghĩa là núi cao chạm trời)-ngọn núi hoang sơ, cao nhất dãy Trường Sơn (2.722m), quanh năm mây mù phủ kín. Xã có 18 bản, 784 hộ/5.034 khẩu; trong đó 16 bản dân tộc Mông (chiếm 80% dân số của xã), 1 bản người Thái và 1 bản người Khơ-mú.
Ông Mùa Dua Thái, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi tâm sự: đồng bào dân tộc Mông ở Na Ngoi sinh sống chủ yếu trên núi Pu-xai-lai-leng. Trước đây, Pu-xai-lai-leng được gọi là “đỉnh núi đói”, chính quyền các cấp phải thường xuyên hỗ trợ gạo. Nay ở Na Ngoi không còn đói nữa, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm trên 80% tổng số hộ của xã.
Cũng từ cái nghèo chung ấy mà năm 2014, khi một người Mông ở Na Ngoi xin trả sổ hộ nghèo đã tạo nên một “cơn địa chấn”. Ông là Mùa Vả Phia, 60 tuổi, trú bản Phù Khả 2.
Nhớ lại việc ông Phia trả sổ hộ nghèo, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi Mùa Dua Thái chia sẻ: Thời điểm đó (năm 2014), gia đình ông Phia chỉ mới đủ ăn, chưa thể gọi là khá giả. Nhưng chính việc mạnh dạn trả sổ hộ nghèo, rồi được sự giúp đỡ của Tổng đội TNXP 10 (tiền thân là Làng Thanh niên lập nghiệp Na Ngoi, thuộc Tỉnh đoàn Nghệ An-Pv) và Bộ đội Biên phòng nên giờ gia đình ông Phia đã có đàn trâu 5 con, trị giá gần 200 triệu đồng, 8 sào ruộng lúa 2 vụ; ngoài ra gia đình ông còn trồng cây dong riềng, trồng chè và cây ăn quả.
Noi gương ông Mùa Vả Phia, những năm gần đây, ở xã biên giới Na Ngoi đã có thêm nhiều tấm gương làm giàu trên mảnh đất phên dậu còn nhiều khó khăn. Điển hình có anh Xồng Bá Dênh, sinh năm 1985, Bí thư Đoàn xã Na Ngoi.
Năm 2012, từ vốn vay 30 triệu đồng dành cho hộ nghèo của Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Sơn và 70 triệu đồng vốn vay thanh niên lập nghiệp, được sự tư vấn hỗ trợ của Tổng đội TNXP 10, anh Dênh đã phát triển mô hình chăn nuôi trâu bò sinh sản. Sau 6 năm, Xồng Bá Dênh đã trở thành ông chủ trẻ ở “đỉnh núi đói” khi sở hữu đàn trâu bò 17 con; ngoài ra còn có thêm 2ha trồng gừng,… Hiện bình quân mỗi năm thu nhập của gia đình Dênh đạt xấp xỉ 200 triệu đồng.
Theo Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, gần 10 năm nay, Na Ngoi ngày càng có thêm những hộ có của ăn của để. Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, các nông sản đặc trưng của Na Ngoi như hoa ly, rau củ, quả, gà đen, cá hồi, cá tầm,… lại nườm nượp được vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Kinh tế gia trại, trang trại đang giúp người Mông, người Thái, người Khơ-mú ở Na Ngoi xóa nghèo, vươn lên khá giả.
Nhận diện vướng mắc để tháo gỡChủ tịch UBND xã Na Ngoi cho biết, để Na Ngoi có được những kết quả tích cực như hiện nay có sự đóng góp rất lớn của Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp, được Tỉnh đoàn Nghệ An triển khai từ năm 2009. Dự án không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng mà quan trọng hơn là đã làm thay đổi tập quán canh tác, tư vấn, hỗ trợ và chuyển giao nhiều mô hình kinh tế hiệu quả để giúp bà con phát triển kinh tế.
“Cả xã có 450ha ruộng bậc thang, nhưng trước đây bà con chỉ cấy một vụ/năm; chăn nuôi trâu bò thì thả rông; ngoài ra cũng không trồng thêm rau màu, cây quả gì dù Na Ngoi có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi”, ông Thái chia sẻ.
Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp Na Ngoi được triển khai với mục tiêu đầu tiên là xây dựng các mô hình kinh tế để giúp đồng bào DTTS nơi đây xóa đói giảm nghèo. Cán bộ của dự án đã xuống tận bản, vào tận nhà vận động dân khai hoang, hướng dẫn trồng lúa nước, rau màu, chăn nuôi gia súc…
Nhờ đó, hiện toàn xã đã có 400ha lúa nước 2 vụ/năm, năng suất 5-6 tấn/ha/vụ. Cây chè san tuyết từ Hà Giang, Yên Bái cũng về đây hội tụ, với diện tích 300ha; ngoài ra, bà con còn trồng thêm nhiều loại rau củ quả đặc trưng, nuôi thêm nhiều vật nuôi thương phẩm có giá trị khác (gà đen, cá hồi,…) để tăng thêm thu nhập.
Theo ông Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An (nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An, trực tiếp chỉ đạo triển khai dự án), Làng Thanh niên lập nghiệp Na Ngoi là một trong 18 làng Thanh niên lập nghiệp được Trung ương Đoàn xây dựng trong giai đoạn 2006-2012. Hiệu quả của Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp Na Ngoi đã được chứng minh trong thực tế. Năm 2012, để phát huy hiệu quả của Dự án, Làng Thanh niên lập nghiệp Na Ngoi đã được UBND tỉnh Nghệ An chuyển đổi thành Tổng đội TNXP 10, trực thuộc Tỉnh đoàn Nghệ An.
Cùng với Làng Thanh niên lập nghiệp Na Ngoi ở Kỳ Sơn (Nghệ An), nhiều dự án Làng Thanh niên lập nghiệp trên cả nước đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Có thể kể đến các Làng Thanh niên lập nghiệp như: Tây Sơn (Hà Tĩnh); Trịnh Tường (Lào Cai); Thụy Hùng (Lạng Sơn); Mo Rai (Kon Tum), Ninh Điền (Tây Ninh)…
Theo kế hoạch, đến năm 2020, Trung ương Đoàn sẽ triển khai thêm 18 dự án Làng Thanh niên lập nghiệp. Điều quan trọng là phải nhận diện được những vướng mắc, tồn tại hiện nay ở một số dự án. Bởi thực tế, bên cạnh một số Làng Thanh niên lập nghiệp phát huy hiệu quả nêu trên thì cũng có không ít dự án không phát huy tác dụng.
Đơn cử như Làng Thanh niên lập nghiệp A Lưới (Thừa Thiên-Huế), Làng Thanh niên lập nghiệp Ba Tơ (Quảng Ngãi),... Thậm chí, Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng (Thanh Hóa) được đầu tư hơn 32 tỷ đồng nhưng đến nay bỏ hoang, gây lãng phí ngân sách cũng như làm “nguội” đi ý chí khởi nghiệp của thanh niên vùng khó.
SỸ HÀO