Để chủ động đối phó với tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân và an toàn cho đàn vật nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ra văn bản số 1828, đề nghị các cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tỉnh và yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố khẩn trương, tập trung, tăng cường các biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại trên địa bàn
Đối với UBND các huyện, thành phố, Thường xuyên nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, khí hậu và chỉ đạo của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, UBND tỉnh và hướng dẫn của các sở, ngành chức năng để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ sức khỏe của người dân và phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, cây trồng trên địa bàn.
Cụ thể, UBND các huyện, thành phố Chỉ đạo, hướng dẫn các hộ dân đưa gia súc thả rông về chuồng trại để chăm sóc; chủ động dự trữ thức ăn; sửa chữa, che chắn chuồng trại, không chăn thả hoặc để trâu, bò cày kéo vào những ngày nhiệt độ dưới 12 độ C; đồng thời bổ sung chất khoáng, Vitamin và cho uống nước ấm để tăng cường sức khỏe cho đàn vật nuôi. Tăng cường vệ sinh phòng bệnh, định kỳ phun các loại thuốc sát trùng chuồng trại, các khu vực xung quanh chuồng nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Xử lý tốt hệ thống cống rãnh, thoát nước thải, rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi, các lối đi để ngăn chặn các loại vi khuẩn gây bệnh xâm nhập.
Trong đợt rét đậm, rét hại này các nơi trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra băng giá, sương muối, có thể gây ra thiệt hại cho gia súc, gia cầm..., yêu cầu UBND các huyện, thành phố dành sự quan tâm chỉ đạo thích đáng, cho công tác phòng chống đợt rét đậm, rét hại nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho Nhân dân.
Theo ông Nguyễn Nam Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn, qua kiểm tra thực tế cho thấy, chính quyền địa phương, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đến phòng, chống đói, rét, phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi. Đối với những vùng núi cao, thường xuyên xảy ra rét đậm, rét hại, một số thời điểm có thể xuất hiện băng giá như ở xã Mẫu Sơn, Công Sơn, Hải Yến, huyện Cao Lộc, người dân đã có mô hình chuồng trại hai tầng (tầng trên chứa rơm, cỏ khô; trâu bò ở phía dưới), phòng, chống đói, rét khá hiệu quả.
Ông Nguyễn Nam Hùng cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 69.000 con trâu, bò, trên 180.000 con lợn, hơn 50.000 con dê, khoảng 5,2 triệu con gia cầm. Khi trời rét đậm, rét hại, đàn trâu, bò, dê bị ảnh hưởng nặng nhất, do người dân vẫn giữ tập quán thả rông trong rừng núi nên những con nuôi này bị chết vì đói, rét, không kiếm được thức ăn. Trong mùa đông năm 2022, toàn tỉnh đã có khoảng hơn 1.000 con trâu, bò, dê bị chết vì đói, rét; trong đó, đàn dê do thả trên núi cao nên bị chết nhiều nhất.
Theo ông Vũ Hồng Quân - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lộc, “Để bảo vệ đàn gia súc, đặc biệt là đàn dê và trâu, bò dưới 2 tuổi không bị chết rét, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn hướng dẫn, hỗ trợ thú y viên các xã, thị trấn tuyên truyền người dân các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc; vận động các hộ chăn nuôi dự trữ thức ăn. Đồng thời, khuyến cáo người dân không thả rông gia súc (nhất là đối với đàn dê và trâu, bò dưới 2 tuổi) khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C”.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có khả năng xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại. Do đó, người dân không nên thả gia súc ra ngoài trời khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C.